Giới công nghệ đều biết vừa rồi Yahoo! khởi kiện Facebook với cớ mạng xã hội này vi phạm một loạt bản quyền sáng chế công nghệ. Đằng sau vụ kiện này cho thấy những tín hiệu gã khổng lồ Yahoo! đang trên đường lụi tàn.
Hôm 13/3, một cựu nhân viên Yahoo!, thú nhận qua một bài viết trên Wired, rằng anh vô cùng hối hận vì đã đứng tên 4 bằng sáng chế trong danh sách này và cũng vô cùng thất vọng trước việc Yahoo! kiện Facebook. Tại sao lại thế? Câu trả lời thực sự rằng vụ kiện này là một nước cờ chơi bẩn từ Yahoo! khi gã khổng lồ từng một thời tung hoành mạng internet này đang trên đường lụi tàn.
“Con quỷ bản quyền”
Hệ thống luật pháp về bản quyền tại Mỹ cho phép các nhà sáng chế đăng kí các phát minh của cá nhân, từ sản phẩm đến công nghệ. Tính chất của hệ thống này là để bảo vệ bản quyền sáng chế, nhưng thực chất có nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng. Những kẽ hở đó đã và đang được sử dụng như một vũ khí bẩn bởi các công ty nắm giữ bản quyền.
Nguyên nhân là vì quy định xác nhận một bản quyền phát minh rất lỏng lẻo, chỉ đơn giản yêu cầu một bản mô tả chung chung phương thức hoạt động, tính chất của phát minh, cùng một vài mẫu thử nghiệm hoạt động dựa trên phát minh này. Thế nên bất kì các công ty nào tại Thung lũng Silicon cũng đua nhau đăng kí bản quyền, như một cách “tàng trữ vũ khí” cho một cuộc “chiến tranh lạnh”. Các “vũ khí bẩn” này cho phép các công ty này có thể kiện đối thủ của mình và nhờ đó có thể kìm hãm sự phát triển cũng như điều khiển thị trường, giữ vững vị trí độc quyền của mình.
Điều này là vô cùng tai hại cho thị trường Mỹ, khi mà các công ty nhỏ mới ra đời không thể ngóc đầu lên được bởi sự “đàn áp bản quyền” từ các công ty lớn, vốn có thế mạnh về tài chính và thế lực luật pháp để có thể đưa các công ty nhỏ ra tòa.
Tệ hơn nữa, có những công ty mà cách hoạt động cũng như tìm kiếm lợi nhuận chính xoay quanh các vụ kiện bản quyền sáng chế. Giới công nghệ gọi các công ty này là “Patent troll” hay tạm dịch là những “con quỷ bản quyền”. Các công ty này liên tục tìm cách đăng kí các bản quyền sáng chế vu vơ, chờ xem có công ty nào khác có thể đã sử dụng các bản quyền này và khởi kiện họ.
Nếu thắng kiện, “con quỷ bản quyền” kiếm ăn rất lớn nhờ tiền bồi thường từ kẻ thua kiện. Và nếu thua, công ty kia cũng sẽ phải chịu thiệt rất nhiều vì phải theo đuổi quá trình kiện tụng rất tốn kém nên thường thì các công ty này đành phải thỏa thuận một khoản tiền trả cho các “con quỷ bản quyền” bên ngoài tòa án để họ không tiếp tục kiện. Các hoạt động này chẳng khác gì một cách tống tiền hợp pháp, giết chết khả năng sáng tạo và ủng hộ các trò tấn công bẩn.
Hãy quay lại với Yahoo!
Năm 2005, Yahoo! mua lại một công ty nhỏ với trang web mang tên Upcoming.org. Yahoo! nhờ người sáng lập Upcoming.org - Andy Baio thống kê tất cả phát kiến của mình trong quá trình thành lập công ty này để đăng kí bản quyền. Yahoo! lấy cớ là để phòng chống lại các “con quỷ bản quyền”.
Thế là Andy Baio không mảy may nghi ngờ, mô tả lại các ý tưởng của mình để các luật sư ghi lại và đăng kí thành những bằng sáng chế mập mờ về giá trị. Các bản quyền này không rõ ràng đến nỗi một trong những bản quyền mà Andy Baio đứng tên, có thể cho phép Yahoo! kiện không chỉ tính năng News Feed của Facebook mà còn kiện được bất kì ai ứng dụng công nghệ đăng tải tin Feed. Trớ trêu thay các bằng sáng chế này lại được sử dụng để tấn công một công ty khác là Facebook.
Yahoo! thậm chí còn tuyên bố họ sẵn sàng thương lượng để chuyển nhượng bản quyền cho Facebook, chẳng khác gì công khai tuyên bố đang tìm cách tống tiền mạng xã hội này. Động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng của công ty này, thậm chí còn đưa ra một cái nhìn bi quan về tương lai của Yahoo!, một công ty từng một thời sánh ngang vai với Google và Microsoft về tiềm năng phát triển và khả năng sáng tạo.
Thế tại sao Yahoo! lại phải thực hiện một nước cờ hạ sách đến thế? Điều đầu tiên có thể rút ra từ động thái này là Yahoo! đang cần tiền, dù là tiền bẩn. Yahoo! đang vướng phải rất nhiều khó khăn từ trong nội bộ công ty, chủ yếu đến từ bộ phận quản lí, lẫn tài chính. Khi Carol Bartz bị buộc rời khỏi vị trí giám đốc điều hành (CEO) của Yahoo! vào tháng 9/2011, tiếp theo sau đó là một đợt cắt giảm nhân sự lớn vào ngay trước dịp Giáng sinh, Yahoo! đã chìm vào giai đoạn bối rối.
Lúc đó có tin đồn Yahoo! sẽ bị mua lại bởi AOL, sau đó lại là Microsoft. Những tin tức luẩn quẩn làm nhiều người đặt câu hỏi cho số phận của Yahoo!. Bộ phận quản lí của Yahoo! không tìm được cách vực lại nguồn sinh lợi của công ty sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thậm chí còn có tin đồn công ty này sẽ rút khỏi thị trường chứng khoán để giao hẳn cho các nhà đầu tư tư nhân. Tháng 1/2012, Scott Thompson chính thức lên làm CEO cho Yahoo!.
Với kinh nghiệm hoạt động cho Paypal, hi vọng Thompson sẽ đổi mới được công ty này. Nhưng lúc này Jerry Yang - nhà đồng sáng lập Yahoo! - lại rời khỏi ghế CEO trong ban quản trị của công ty, phủi tay hoàn toàn với các công việc tại Yahoo!. Lúc đó, người ta ví Yahoo! như một thây ma vật vờ giữa sự sống và cái chết. Khi người ta đang mong chờ Scott Thompson sẽ thực hiện được những điều thần kì để hồi sinh Yahoo! thì bất ngờ thay Yahoo! lại khởi kiện Facebook, như một giải pháp trong tình thế cấp bách để cứu lấy một ít lợi nhuận - dù là tiền bẩn cho công ty.
Vật vờ thêm vài năm nữa
Mặc dù nói Yahoo! đang trên đường tàn tạ là thế, mặc dù giá cổ phiếu của Yahoo! đang tụt dốc không phanh nhưng không có nghĩa là công ty này sẽ chết đi một cách nhanh chóng. Vì dù sao chăng nữa, Yahoo! vẫn còn là một gã khổng lồ, nắm trong tay hàng loạt cổng thông tin mạng và dịch vụ lớn như Flickr và một thị phần khổng lồ ở khu vực Trung Đông, châu Á. Có thể Yahoo! sẽ vật vờ thêm vài năm nữa và chúng ta sẽ phải chứng kiến sự lụi tàn của gã khổng lồ một thời này hoặc ai đó vẫn còn tỉnh táo trong ban quản trị của công ty này sẽ tìm ra một giải pháp thật sự thần kì để vực dậy công ty này.
Dù gì đi chăng nữa, nếu Yahoo! lụi tàn, đối với người dùng Việt Nam thì nó cũng chẳng ảnh hưởng mấy, nhưng chắc chắn có rất nhiều người sẽ rất nhớ dịch vụ chat Yahoo Messenger.
Theo Người Lao Động