Những thương hiệu của châu Á đang dần trở nên phổ biến khắp thế giới. Liệu bạn có tò mò vì sao mà những thương hiệu bạn yêu thích lại có tên như vậy không?
Ngày càng nhiều thương hiệu châu Á phát triển mạnh trên toàn cầu. Chúng trở thành những thương hiệu dễ nhận biết một phần nhờ logo và những dấu hiệu độc đáo. Hãy cùng chúng tôi nhắc đến những câu chuyện đằng sau tên gọi của các thương hiệu. Một số có thể bạn đã biết, một số cái không, nhưng tất cả đều rất thú vị.
Xiaomi
Được thành lập năm 2010, Xiaomi là công ty điện tử tư nhân của Trung Quốc chủ yếu sản xuất điện thoại thông minh, ứng dụng điện thoại và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Thương hiệu này lấy tên từ một từ trong tiếng Trung nghĩa là “kê”, nhưng CEO của Xiaomi đã từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng nó còn có ý nghĩa sâu sắc hơn.
Theo Lei Jun, “Xiao” trong khái niệm của Phật giáo là “một hạt gạo cũng quý giá giống như một ngọn núi”. Tuy nhiên, phần thứ hai thì đơn giản hơn, nó không có ý nghĩa quá sâu xa. Lei Jun nói nó không những viết tắt cho từ “Mobile Internet”, mà còn là Mission Impossible, đề cập đến cuộc chiến họ phải đối mặt khi bắt đầu kinh doanh.
Yeo’s
Thương hiệu Yeo’s xuất phát từ họ của gia đình Yeo. Yeo Hiap Seng Limited, công ty sở hữu thương hiệu ‘Yeo’s’, một nhà sản xuất đồ uống và đầu tư được thành lập vào năm 1990 bởi Yeo Keng Lian. “Hiap Seng” trong tên thương hiệu- 杨 協成 – mang ý nghĩa thống nhất, hài hòa và thành công. Các ký tự tiếng Hoa kiểu cổ biểu thị sự hợp nhất của Chúa Giesu- có một chữ thập cùng với “sức mạnh” lặp lại ba lần. Đây là nền tảng của kinh doanh, mang ý nghĩa rằng thành công lớn chỉ có thể đạt được khi có phép lành của Chúa thông qua sự hợp nhất và hòa hợp trong gia đình.
OSIM
Được thành lập ở Singapore vào năm 1980 bởi Ron Sim, OSIM bắt đầu với việc là nhà sản xuất đồ gia dụng và các thiết bị điện. Nó sản xuất dây phơi quần áo, máy mài dao, dao, máy giặt, máy pha cà phê và các thiết bị điện khác. Ngày nay, OSIM trở thành người dẫn đầu toàn cầu về các sản phẩm hướng tới lối sống lành mạnh và là thương hiệu hàng đầu tại hơn 30 nước châu Á. Tên của thương hiệu được chính thức ra mắt vào năm 1993. Nó là một từ ghép của ‘Sim’ (tên họ của người sáng lập) và ‘O’ là đại diện cho hình dạng của quả địa cầu.
Baidu
Điều không thể chối cãi rằng Baidu là Google của Trung Quốc. Cái tên Baidu bắt nguồn từ một câu trích dẫn lấy từ bài thơ cổ “Green Jade Table in the Lantern Festival” viết bởi nhà thơ đời Tống, Xin Qiji, hơn 800 năm trước. Nghĩa đen của nó là ‘hàng trăm lần, đại diện cho việc không ngừng tìm kiếm lý tưởng’.
Sony
Mặc dù được thành lập năm 1946 bởi Akio Morita và Masaru Ibuka nhưng đến tận năm 1955 cái tên Sony mới được giới thiệu. Nó là sự kết hợp của 2 từ: “Sonny” (một thuật ngữ thường được sử dụng ở Mỹ vào những năm 1950 để nói về một ‘cậu bé’) và “Sonus”- một từ La tinh được sử dụng để mô tả âm thanh. Chắc rằng họ cũng không biết rằng nhiều năm sau đó, các bậc cha mẹ sẽ la hét với những cô bé (cậu bé) để giảm âm lượng từ những chiếc máy Sony của chúng.
Uniqlo
Được thành lập vào năm 1949, UNIQLO là một nhà thiết kế, sản xuất và bán lẻ quần áo tiện dụng cũng như trang trọng tại 14 quốc gia trên toàn cầu. Cái tên UNIQLO thực ra là sự rút gọn của từ “unique clothing” và thông điệp thương hiệu của nó là “UNIQLO là một công ty Nhật Bản hiện đại truyền cảm hứng cho thế giới ăn mặc giản dị”.
Canon
Được thành lập vào năm 1937 tại Tokyo, Canon là cái tên mà hầu như ai cũng biết. Điều thú vị là cái tên này trước đây được phiên âm theo tiếng Anh là "Kwanon" hoặc "Kuanyin". Bởi vì nó được bắt nguồn từ tên vị Bồ Tát trong Phật giáo, Quan âm Bồ Tát, vị thần của lòng từ bi thương xót.
Vào năm 1947, công ty đổi tên thành Công ty Canon Camera. Sau đó vào năm 1969, nó được rút ngắn thành Canon Inc.
NaRaYa
Được thành lập năm 1989 bởi Wasna R. Lathouras và Vassilios Lathouras, NaRaYa là một thương hiệu của Thái Lan chuyên sản xuất túi vải và phụ kiện. Cái tên NaRaYa xuất phát từ vị Chúa tối cao của Ấn Độ giáo, Phra Narai (thường được gọi là ‘Vishnu’). Nó được lựa chọn vì những ý nghĩa tích cực nhưng cũng có thể do dễ phát âm ở những ngôn ngữ khác. Ban đầu, NaRaYa bán thiết bị điện và các bộ phận phụ tùng ô tô, nhưng nó đã nhanh chóng chuyển sang kinh doanh túi vải là phụ kiện, sản phẩm khiến nó thu được khá nhiều danh tiếng.
Toyota
Toyota ở Tokyo là công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất 10 triệu xe mỗi năm. Thương hiệu này được thành lập năm 1926 với tên “Nhà máy dệt tự động Toyoda”, sau khi nhà sáng lập Sakichi Toyoda thu được danh tiếng khi sáng tạo ra máy dệt điện tử tiên tiến nhất thế giới.
Vào năm 1933, người con trai cả Kiichiro Toyoda thành lập một công ty con chuyên sản xuất xe hơi và đổi tên thành Công ty Ô tô Toyota. Ông thay đổi âm tiết cuối cùng để khiến thương hiệu này không còn sự liên quan đến nông nghiệp. Bởi vì nghĩa đen của từ Toyoda là “cánh đồng lúa phì nhiêu.”
Alibaba
Trụ sở chính đặt tại Hàng Châu, Alibaba được cho là thương hiệu dễ nhận biết nhất có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thương hiệu này được lấy tên từ câu chuyện Ả Rập “Alibaba và 40 tên cướp”, là một phần của bộ truyện “Nghìn lẻ một đêm”.
Theo lời Jack Ma, ông đang ngồi ở quán cà phê khi ông nghĩ ra cái tên này. Ông tin tưởng rằng Alibaba sẽ có thể mở công ty và phát triển quy mô lớn hơn tương tự như cụm từ kỳ diệu mở ra cánh cửa bí mật tới kho báu trong câu chuyện nổi tiếng.