Một trong những cách quảng bá đồ điện tử mà mọi nhà sản xuất đều sử dụng là đưa ra những thông số thật ấn tượng. Gần như mọi công ty đều tuân theo một quy luật: luôn cố gắng phóng đại hoặc làm cho thông số sản phẩm của mình nghe càng lớn càng tốt.
Samsung JS8500, một TV 4K có tần số quét thực 120 Hz
Vấn đề là thông số không thực sự phản ánh chất lượng của sản phẩm. Có thể bạn chưa quên "cuộc đua megapixel" trong ngành máy ảnh, khi các nhà sản xuất chạy đua với nhau để đưa ra những chiếc máy ảnh với độ phân giải cao nhất có thể. Nhưng chúng ta đều biết rằng độ phân giải cao chưa đủ để đảm bảo chất lượng ảnh chụp.
Điều tương tự cũng đúng với thế giới TV. Kích thước và độ phân giải là hai thông số quan trọng (và cũng là những điều bạn sẽ được nghe quảng cáo đầu tiên) của chiếc TV. Nhưng chất lượng hiển thị còn phụ thuộc nhiều yếu tố như độ tương phản, khả năng hiển thị màu... Những thông tin không dễ nắm bắt.
Tần số quét và lợi ích
Vậy tần số quét là gì? Hiểu đơn giản thì đó là số lần TV thay đổi hình ảnh trong 1 giây. Với TV thế hệ trước (không phải plasma), tần số quét phổ biến là 60 lần/giây, hay 60 Hz. Nếu hình ảnh trên TV có thể thay đổi càng nhanh tức là tần số quét của TV càng cao.
Vậy nó có vai trò như thế nào? Tần số quét liên quan đến một hiện tượng chung mà mọi TV đều gặp. khi vật thể trong khung hình chuyển động, hình ảnh sẽ bị mờ đi một chút, trông không được sắc nét so với khi đứng yên. Đây là hiện tượng "bóng mờ chuyển động" (motion blur) vốn không thể tránh được, dù TV có sử dụng công nghệ LCD hay OLED.
Hình ảnh ở góc phải bị mờ hơn do gặp hiện tượng motion blur
Thực tế, nguyên nhân của hiện tượng này nằm ở khác biệt giữa cách hiển thị của TV và suy nghĩ của bộ não. TV thực chất chỉ hiển thị một loạt ảnh "tĩnh", cứ 1/60 giây (60 Hz) nó lại hiển thị một khung hình tĩnh khác. Còn bộ não nhìn nhận sự chuyển động là liên tục. Nên khi quan sát chuyển động, bộ não chúng ta sẽ tự động tính toán hướng và vị trí mà vật thể sẽ chuyển động ngay tiếp theo, từ đó cảm nhận thấy hình ảnh bị mờ. Vì sự chuyển động trong não là "liên tục" còn trên TV là "gián đoạn".
Các hướng khắc phục
Giải pháp để giảm hiện tượng motion blur là giảm thời gian hiển thị của mỗi khung hình xuống (tương đương với tăng số khung hình hiển thị trong một giây lên), tức là tăng tần số quét. Tất nhiên khi gấp đôi số khung hình, khung hình đó phải hiển thị nội dung khác với các khung hình có sẵn. Hiện có hai cách để làm điều này.
Cách thức thứ nhất được gọi là nội suy khung hình (frame interpolation). Trong đó chip xử lý của TV tạo ra một khung hình "đệm" nằm giữa khung hình trước và khung kế tiếp, vốn là hình ảnh ghép nối từ cả hai khung hình. Phương pháp này khiến cho bộ não người xem cảm thấy hình ảnh chuyển động mượt mà hơn. Tuy nhiên nếu như nội suy quá đà thì bạn có thể gặp một hiện tượng gọi là "soap opera", khi hình ảnh chuyển động quá nhanh khiến cho ta cảm thấy nó không tự nhiên.
Hiệu ứng Soap Opera
Phương pháp thứ hai được gọi là chèn khung hình đen (black frame insertion). Ở phương pháp này, TV sẽ chèn toàn bộ hoặc một phần khung hình bằng màu đen, từ đó khiến cho hình ảnh không "tĩnh" như trước và bộ não chúng ta không nhận thấy nó bị mờ đi. Tuy nhiên nếu số khung hình đen được chèn quá nhiều thì có thể dẫn đến hiện tượng nháy hình, độ sáng TV cũng bị giảm.
Phương pháp chèn khung hình đen
Để áp dụng được 2 cách thức trên, bạn cần phải có tần số quét tối thiểu 120 Hz. Vì nếu áp dụng chúng với TV 60 Hz, nhiều hình ảnh sẽ bị mất đi và bạn sẽ dễ nhận ra hình ảnh bị nhấp nháy liên tục (do thời gian hiển thị một khung hình tới 1/60 giây). TV có tần số quét 120 Hz (hoặc hơn) sẽ đảm bảo có thể chèn thêm khung hình vào mà chất lượng hình ảnh vẫn đảm bảo ở mức 60 hình/giây.
Tần số quét cao hơn sẽ giúp những hình ảnh chuyển động nét hơn
240 Hz chỉ là giá trị "ảo"
Tiếp tục suy nghĩ như vậy, nếu tần số quét tăng lên 240 Hz thì sẽ quá tuyệt đúng không? Chắc chắn rồi, chỉ có điều bạn không thể tìm được một TV 4K có tần số quét 240 Hz. Vô lý, chẳng phải các nhà sản xuất đều quảng cáo TV Ultra HD của họ với con số 240 Hz hay sao? Rất tiếc, đó chỉ là cách mà nhà sản xuất (cố tình) khiến bạn hiểu nhầm.
Với phần lớn TV 240 Hz hiện nay, hình ảnh thực chất là 120 Hz được nhân đôi hoặc chèn thêm khung hình đen
Một TV đạt tần số quét 240 Hz "thật" cần phải hiển thị được 240 hình ảnh khác nhau trong một giây. Tất nhiên nếu trong một giây TV hiển thị 120 hình, còn 120 hình còn lại là màu đen thì nó cũng có thể tạo hiệu ứng hình ảnh gần giống như TV 240 Hz, nhưng nội dung nó hiển thị thực tế vẫn chỉ là 120 hình/giây.
Thực chất công nghệ Clear Motion của Samsung
Cách dễ nhất để biết tần số quét mà nhà sản xuất đưa ra có phải thông số thật hay không là xem cách họ đặt tên sản phẩm. Nếu như phía trước tần số quét có một dòng chữ (như TruMotion 240 Hz) thì rất có thể đây không phải là tần số quét thật.
Dưới đây là bảng thông số nhà sản xuất đưa ra và tần số quét thật do CNET tổng hợp.
Trong bảng này, hầu hết công nghệ mà các hãng áp dụng (TruMotion, Image Motion, AquoMotion, Motion Rate, MotionFlow hay Clear Action) đều sử dụng phương pháp chèn khung hình đen để tăng tốc độ khung hình. Trong thực tế, những TV tốt nhất tần số quét cũng chỉ dừng ở mức 120 Hz.
Do đó, ở thời điểm hiện tại nếu như chọn mua một chiếc TV 4K, hãy hài lòng với tần số quét 120 Hz (thực) và yên tâm là chiếc TV của bạn sẽ không hiển thị hình ảnh kém hơn một chiếc TV khác được gắn "mác" 240 Hz đâu.
http://vnreview.vn/tu-van-do-gia-dung/-/view_content/content/1626371/nhieu-nha-san-xuat-doi-tra-ve-tan-so-quet-tren-tv-4k