Trao đổi với Tuổi Trẻ vào ngày 4/12, ông Micheal Brown - giám đốc khu vực Đông Nam Á của Dịch Vụ Taxi Uber - khẳng định Uber và đối tác Việt Nam đều đã đăng ký kinh doanh.
Ông Micheal Brown - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Uber
Ông Brown nói:
Uber ở Việt Nam cũng như các nước khi hoạt động đều có đăng ký kinh doanh đầy đủ với Nhà nước. Tất cả đối tác của Uber là loại xe có hoạt động được quy định rõ theo Luật giao thông vận tải ở Việt Nam. Các đối tác tham gia hệ thống Uber đều trải qua quá trình kiểm tra về xe rất nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn của Uber tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Đến nay đã có bao nhiêu đối tác sử dụng dịch vụ của Uber tại Việt Nam? Ông đánh giá thế nào khi Hiệp hội Taxi TP.HCM có kiến nghị ngăn chặn dịch vụ Uber vì họ cho là cạnh tranh không lành mạnh với các hãng taxi?
Chúng tôi có rất nhiều đối tác ở Hà Nội, TP.HCM và con số đang không ngừng tăng lên. Các đối tác này là doanh nghiệp, không phải cá nhân. Hiện Uber chưa làm việc với công ty taxi nào để cung cấp dịch vụ cho họ.
Tại Hà Nội và TP.HCM hằng ngày có hàng chục ngàn hành khách sử dụng xe qua Uber. Xe sạch sẽ, tài xế lịch sự nên tin tưởng hơn, chuyến đi rõ ràng về thời gian và giá cả phải chăng.
Nhưng vừa qua một số xe sử dụng Uber tại TP.HCM bị thanh tra giao thông lập biên bản vi phạm hành chính vì không có giấy phép kinh doanh vận tải ?
Thông tin về xử phạt, giam giữ, bắt xe là không chính xác. Những trường hợp trong TP.HCM là kiểm tra hành chính, không xử phạt hay bắt giữ.
Có nghi ngại nếu một tài xế sử dụng Uber để chở khách mà không thuộc công ty vận tải nào sẽ thu tiền cước cao hơn, chiếm đoạt tài sản của khách mà hành khách khó có thể đòi được quyền lợi. Việc trốn thuế cũng có thể xảy ra?
Hiện tại chúng tôi làm việc với tất cả công ty có giấy phép vận tải rất rõ ràng, tài xế thuộc biên chế của công ty, họ có trách nhiệm và bên Uber sẽ tham gia hỗ trợ khách hàng một cách tối đa.
Các đối tác của Uber là doanh nghiệp phải tuân thủ hoàn toàn điều kiện về thuế. Họ tuân thủ được vì tất cả thanh toán của Uber và đối tác đều phải chuyển khoản 100% qua tài khoản doanh nghiệp ở ngân hàng. Nó tạo sự minh bạch so với dùng tiền mặt rất nhiều.
Chúng tôi tạo mọi điều kiện để cơ quan thuế có điều kiện truy thu thuế nếu doanh nghiệp trốn thuế vì trả tiền qua tài khoản doanh nghiệp ở ngân hàng thì không thể trốn được.
Có những ý kiến cho rằng Uber sẽ tăng cước sau khi được cấp phép hoạt động và phát triển?
Giá cước qua Uber hiện tại ở Hà Nội và TP.HCM không phải giá khuyến mãi mà đã cân nhắc tất cả điều kiện thị trường. Mô hình chúng tôi tận dụng tối đa nguồn xe nhàn rỗi của doanh nghiệp để giảm giá. Khi mua một ôtô thì chi phí cố định chiếm rất cao trong chi phí vòng đời xe, khoảng 70%. Nếu xe chạy mỗi ngày 10km hay 100km thì vẫn phải trả chi phí cố định đó.
====================
Đề nghị tạm dừng hoạt động của taxi Uber
Ngày 4-12, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT tạm dừng hoạt động của taxi qua dịch vụ Uber tại Việt Nam đến khi cơ quan nhà nước có quy định pháp lý cụ thể đối với loại hình dịch vụ này.
Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng Uber không phải là đơn vị kinh doanh vận tải, chỉ làm nhiệm vụ kết nối giữa lái xe và hành khách, không được điều chỉnh bởi Luật giao thông đường bộ Việt Nam. Loại hình này không đáp ứng được đầy đủ điều kiện kinh doanh vận tải: không có đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh vận tải.
Theo Tuổi Trẻ