Ebola là virus hết sức nguy hiểm, có tốc độ lây lan cực kỳ nhanh chóng và người mắc cũng có tỷ lệ tử vong rất cao (có thể lên tới 90%). Hiện nay, Ebola đang là mối lo ngại cho tất cả mọi người trên thế giới trước hiểm họ nó có thể trở thành một đại dịch toàn cầu. Vậy Ebola là gì? Nó hoạt động như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Virus Ebola
Ebola là một loại virus thuộc họ Filoviridae và được đặt theo tên một con sông tại Châu Phi. Ebola được phát hiện từ năm 1976 và gây bệnh cho con người và các loài linh trưởng rải rác tại các nước châu Phi như Congo, Gabon, Bờ Biển Ngà hoặc Uganda. WHO cho rằng dơi quạ ăn trái cây (Pteropodidae) chính là vật chủ tự nhiên của Ebola.. Họ xếp Ebola vào nhóm 4 tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhất thế giới và nằm trong danh mục khủng bố sinh học của Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh Hoa Kỳ.
Virus Ebola truyền nhiễm bằng cách nào? Do vẫn chưa xác định được nơi trú ẩn của Ebola ngoài tự nhiên của Ebola nên người ta vẫn chưa biết được chính xác làm thế nào nó có thể lây cho người đầu tiên. Tuy nhiên, khi có 1 người bị nhiễm, virus có thể được truyền nhiễm bằng nhiều cách khác nhau.
Một trong số đó là lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với máu, mô hoặc chất bài tiết của người bị nhiễm. Virus có thể lây nhiễm khi các chất dịch này tiếp xúc với miệng, mắt hoặc những vết thương hở trên da người lành. Ngay khi người nhiễm đã chết thì virus vẫn còn tồn tại và sẵn sàng lây nhiễm cho người khác.
Do đó, người thân và bạn bè của bệnh nhân là những người có nguy cơ nhiễm cao nhất. Ngoài ra, nhân viên y tế cũng là đối tượng dễ mắc bệnh nhất nếu tiếp xúc với bệnh nhân mà không có trang bị bảo hộ an toàn. Ngoài ra, động vật linh trưởng cũng có thể
Virus Ebola hoạt động trong cơ thể người như thế nào?
Ebola có thể lây nhiễm toàn thân, nghĩa là nó có thể tấn công tất cả các bộ phận và mô trên cơ thể người ngoại trừ xương và cơ xương. Ebola gây ra chứng xuất huyết và đông máu ở người. Người ta vẫn chưa biết được chính xác cơ chế virus Ebola tấn công tế bào. Một giả thuyết là virus đã phát hành một loại protein làm vô hiệu hóa phản ứng của hệ miễn dịch.
Như các loại virus khác, Ebola "cài" bộ gen cùng các protein vào trong tế bào chủ, biến tế bào thành nhà máy sản xuất thêm hàng loạt bản sao với tốc độ cực kỳ nhanh. Mỗi virus đều có chứa "protein bẫy" (glycoprotein), giúp virus có thể gắn vào tế bào chủ thông qua "các thụ thể" và tiến hành cấy gen.
Trong khi các loại virus khác thường có dạng khối cầu thì Ebola có cấu trúc dạng sợi cho phép nó có thể tấn công cùng lúc nhiều tế bào. Hơn nữa, Ebola cũng có số lượng glycoprotein đặc biệt lớn giúp tăng khả năng lây nhiễm vào bất cứ tế bào nào mà nó tiếp cận được. Đáng sợ hơn nữa, virus Ebola có 7 loại gen và liên tục tái sắp xếp cùng với 20.000 loại gen trong cơ thể người tạo thành một cơ chế lây nhiễm biến hình vô cùng phức tạp.
- Sau khi vào cơ thể, Ebola sẽ nhắm mục tiêu tấn công đầu tiên vào các tế bào hình tua. Đây là các tế bào có nhiệm vụ kích hoạt tế bào T (bạch cầu) để tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh trước khi nó lây nhiễm sang các tế bào lành. Khi tế bào tua đã bị "chiếm quyền điều khiển",, các tế bào T sẽ không được kích hoạt và Ebola bắt đầu hoành hành.
- Sau đó, Ebola bắt đầu tấn công các mô liên kết và tiếp tục lây với tốc độ chóng mặt trong collagen (loại protein được tìm thấy trong các mô liên kết giúp kết nối và định hình cho nội quan).
- Một trong những phương thức tấn công trên diện rộng của Ebola là nó sẽ tạo ra các cục máu đông từ đó khiến huyết áp của bệnh nhân tuột dần. Những cục máu đông đồng thời cũng làm vỡ thành mạch và gây ra xuất huyết. Khi đó, bệnh nhân sẽ nổi các đốm đỏ trên da. Khi bệnh dần tiến triển, các cục máu đông càng to lên và lượng máu xuất huyết cũng ngày càng nhiều. Đồng thời, các cục máu đông khiến máu không thể lưu thông đi nuôi nhiều bộ phận quan trọng như não, gan, thận, phổi,...
- Khi vào giai đoạn cuối của bệnh tình, bệnh nhân bắt đầu chảy máu từ mắt, tai, mũi,... và rỉ nước trên da. Cuối cùng sẽ dẫn đến đột tử do giảm huyết áp, vỡ các mạch máu lớn, quá nhiều nội quan chết đi gây sốc.
Người nhiễm Ebola sẽ có triệu chứng gì?
Sau khoảng thời gian từ 2 đến 21 ngày (thường là 10 ngày), các triệu chứng bên ngoài bắt đầu bộc lộ. Khi đó, bệnh nhân sẽ sốt, đau đầu và uể oải. Sau khi virus bắt đầu nhiều lên và lấn át các tế bào khỏe mạnh, nó sẽ tạo ra các phản ứng hóa học gây viêm. Các triệu chứng sẽ nhanh chóng xấu đi như tiêu chảy, đau họng, vàng da, nôn mửa và mấy cảm giác ăn ngon. Khi tế bào xâm nhập tới hạch bạch huyết, lá lách và gan, hiện tượng xuất huyết và rò rỉ dịch bắt đầu. Cuối cùng, sớm nhất là 16 ngày, cơ thể sẽ tuột huyết áp đột ngột và người bệnh sẽ chết vì sốc hoặc do nội quan đã chết.
Con đường phía trước...
25 phòng thí nghiệm cùng rất nhiều chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đang nỗ lực lập bản đồ kháng thể của Ebola nhằm hiểu sâu hơn và tiêu diệt loại virus này. Một trong những kết quả có tiềm năng nhất là hỗn hợp kháng thể mang tên ZMapp, đây được xem như một loại thuốc thử nghiệm đáng chú ý, góp phần cữu chữa thành công 2 nhân viên y tế tại Mỹ và 3 bác sĩ tại Liberia. Một loại thuốc khác có tên Favipiravir do hãng Fujifilm bào chế cũng đã chữa lành cho 1 nữ y tá người Pháp hồi đầu tháng 10.
ZMapp được phát triển đầu tiên bởi Viện nghiên cứu y học quân đội Mỹ cách đây gần 10 năm, một loại "huyết thanh Ebola" có khả năng vô hiệu hóa virus bằng cách ngăn nó tái sắp xếp và phá hủy hệ miễn dịch. Tuy nhiên, đó chỉ là những liều thuốc ZMapp hết sức ít ỏi và vẫn chưa thể đảm bảo độ an toàn nên nó chỉ dùng để phục vụ thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu phải đợi tới năm 2015 mới được cấp phép kiểm chứng lâm sàng trên cả người lành lẫn người bệnh. Đồng thời, ZMapp không phải là vaccine mà chỉ là sản phẩm trị liệu cho người nhiễn. Tương tự như vậy, Favipiravir cũng chỉ mới là thuốc thử nghiệm và vẫn chưa chứng minh được độ an toàn để cấp phép sử dụng.
Ngoài ra cũng có một tiềm năng khác, Đại học Thomas Jefferson đang phát triển vaccine Ebola dựa trên vaccine bệnh dại hứa hẹn sẽ là một ứng cử viên sáng giá. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn phải chờ đợi vào tương lai. Hy vọng rằng các chuyên gia sẽ nhanh chóng tìm được vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả Ebola.
Tham khảo: Pbs, Brighthub, Wiki, Gizmodo, Md-health