Trước đây, Trung Quốc chủ yếu gia công sản phẩm cho các hãng khác, Apple là một ví dụ. Nhưng điều đó đã thay đổi nhanh chóng khi bên cạnh gia công này, họ còn tự sản xuất điện thoại. Trong danh sách các nhà sản xuất hàng đầu thế giới gồm Apple, Samsung, LG, Sony, HTC, Huawei, Xiaomi, Lenovo, OnePlus, gần một nửa đến từ Trung Quốc.
Số liệu của IDC quý II/2016 cho thấy, 3 trong số 5 thương hiệu smartphone hàng đầu là của Trung Quốc. Nếu mở rộng bảng xếp hạng lên top 10, Lenovo và Xiaomi cũng góp mặt. Theo dự đoán, số lượng thương hiệu điện thoại từ quốc gia này sẽ còn tăng trong thời gian tới.
|
Apple và Samsung đang bị các hãng smartphone Trung Quốc bám sát.
|
Thomas Stearns Eliot (1888 – 1965), văn sĩ và thi sĩ Mỹ đoạt giải Nobel văn chương năm 1948, từng có câu nói nổi tiếng: "Nghệ sĩ non tay thì bắt chước, nghệ sĩ lão luyện thì ăn cắp". Các hãng điện thoại Trung Quốc đi từ "non tay" đến "lão luyện". Không khó để bắt gặp thiết bị của Lenovo, Xiaomi… giống với sản phẩm Apple hoặc Samsung từ kiều dáng đến chất liệu. Thậm chí, họ không ngần ngại đưa vào thiết kế hay tính năng đồn đại sẽ xuất hiện trên "siêu phẩm" sắp ra mắt của các hãng này lên sản phẩm của mình.
Trong thế giới phẳng, việc học hỏi lẫn nhau, ở một giới hạn nào đó, vẫn được chấp nhận. Các hãng smartphone Trung Quốc dần nhận thức được điều này. Và thay vì sao chép hoàn toàn như trước đây, họ bắt đầu "sáng tạo" dựa trên những thứ đã có sẵn từ sản phẩm của các thương hiệu danh tiếng. Đã qua rồi thời người dùng chê điện thoại Trung Quốc "của rẻ là của ôi", smartphone Xiaomi, Oppo, Vivo… thiết kế ngày càng hoàn thiện hơn, bền đẹp, cấu hình mạnh, nhiều tính năng và giá rẻ hơn nhiều lần.
|
Smartphone Trung Quốc chiếm ưu thế ở phân khúc giá rẻ và trung cấp.
|
Người tiêu dùng ngày nay đã trở nên khôn ngoan hơn, họ không còn mua hàng dựa vào thương hiệu. Thay vào đó, những gì họ nhận được so với số tiền bỏ ra mới là vấn đề đáng quan tâm. Đó cũng là lý do vì sao smartphone Trung Quốc ngày càng được khách hàng tin tưởng, nhất là ở các nước nghèo và đang phát triển. Còn ở những nơi thắt chặt vấn đề bản quyền như Mỹ, châu Âu, không nhiều hãng điện thoại Trung Quốc có thể tồn tại.
Thế nhưng, để có thể tồn tại và phát triển, bắt buộc doanh nghiệp phải sáng tạo để hình thành bản sắc riêng, như Samsung, Apple, LG. Không phải ngẫu nhiên mà smartphone của các hãng này đắt hơn so với những thiết bị cùng thông số của Huawei, Oppo, bởi họ còn phải kèm thêm chi phí cho R&D (nghiên cứu và phát triển) trên mặt hàng khi được bán ra. Nói như vậy không có nghĩa là các hãng điện thoại Trung Quốc không chi tiêu cho R&D, nhưng họ làm điều đó ít hơn và tập trung chủ yếu cho tiếp thị.
"Sự trỗi dậy của các hãng điện thoại Trung Quốc là hồi chuông cảnh tỉnh Samsung, Apple – hai thương hiệu smartphone đang đứng đầu thế giới. Tất nhiên, những Xiaomi, Huawei, Lenovo, Umi, LeEco… không thể lật đổ hai cái tên trên trong tương lai gần, nhưng sẽ làm ‘xói mòn’ thị trường điện thoại thông minh. Nếu không thay đổi chiến lược phù hợp, họ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào", một nhà phân tích thị trường nhận định.