Hình ảnh mở hộp và trên tay mẫu TV QLED mới nhất của Samsung vừa được chính thức bán ra tại thị trường Việt Nam với mức giá khoảng 54,9 triệu đồng.
Vừa chính thức giới thiệu tại Việt Nam vào đầu tháng này, các mẫu Samsung QLED 2018 đã bắt đầu được bán ra với 4 dòng sản phẩm có nhiều kích thước khác nhau gồm dòng Q9F (65 và 75 inch); dòng Q8C (55 và 65 inch); dòng Q7F (55, 65 và 75 inch) và dòng Q6F (49, 55 và 65 inch). Mức giá dao động từ 45 triệu đồng đến 199,99 triệu đồng tùy theo model và kích cỡ màn hình. Trong 4 dòng sản phẩm QLED trên thì dòng Q9F là dòng cao cấp nhất, tiếp đến là dòng Q8F rồi đến Q7F và cuối cùng là Q6F.
Thùng đựng QLED Q7F 2018 55 inch lớn hơn khá nhiều các TV 55 inch thông thường.
Để lấy TV ra, người dùng sẽ cần rạch theo các đường vạch sẵn ở bên hông thùng.
Mặc định phần chân đế sẽ chưa được lắp sẵn để người dùng tùy chọn gắn lên tường hay để trên bàn.
Chân đế của Samsung QLED dễ lắp đặt và có cơ chế gần giống với chân đế của các màn hình máy tính.
Phần chân đế khi được lắp hoàn chỉnh vào TV. Mặt sau của QLED Q7F 2018 có một thay đổi nhỏ là phần nắp che ở giữa chuyển sang hình chữ nhật thay vì hình tròn như đời 2017. Chân đế cũng nhỏ gọn hơn một chút. Toàn bộ cổng kết nối tiếp tục được chuyển hết sang hộp One Connect gắn ngoài.
Mặt sau làm bằng nhựa nhưng vẫn đảm bảo độ cứng cáp, chắc chắn, không hề ọp ẹp kể cả khi ấn mạnh. Các họa tiết vằn ngang giúp tạo điểm, một khe lớn phía sau có lẽ để tản nhiệt cho TV.
Chân đế làm bằng kim loại chắc chắn, vững chãi.
Phần cổng kết nối One Connect được bố trí ngay cạnh chân đế để tiện đi dây.
Chân đế vẫn theo kiểu chữ T được đúc dạng liền khối với trọng lượng khá nặng giúp TV đứng vững chắc.
Các nút bấm điều khiển và hệ thống loa được đặt ẩn ở phần cạnh dưới.
Nút nguồn và các phím điều hướng, hiện nay người dùng hiếm khi phải sử dụng đến các nút bấm này.
Hệ thống loa 4.1 công suất 40W.
Độ mỏng khá ấn tượng của QLED Q7F 2018.
Toàn bộ khung viền bao quanh màn hình được làm bằng kim loại, tăng độ chắc chắn và đảm bảo chống va đập tốt.
Thiết kế của QLED Q7F 2018 tiếp tục đi theo phong cách tối giản.
Toàn bộ các phụ kiện đi kèm QLED Q7F 2018, có cả khăn lau TV nhưng tiếc là không có dây HDMI nào đi kèm.
Điển khiển từ xa của Q7F 2018, thiết kế không còn đi theo kiểu kim loại màu bạc hiện đại mà đã quay lại với phong cách đen tuyền truyền thống dù vẫn cho phép điều khiển cả đầu kỹ thuật số, TV Box, dàn âm thanh, đầu DVD tương thích.
Kiểu dáng điều khiển hơi cong nhẹ về phía trước.
Phụ kiện dây cáp tất cả trong một - One Invisible Connection.
Đầu cắm vào hộp kết nối ngoài của cáp One Invisible Connection khá giống với cáp Display Port.
Phần dây One Invisible Connection năm nay được nâng cấp lớn khi chỉ với 1 sợi cáp duy nhất này sẽ đảm nhiệm cả chức năng truyền điện bên cạnh khả năng truyền hình ảnh, âm thanh, dữ liệu. Phần lõi của dây vẫn cấu tạo từ cáp quang nhưng phần vỏ năm nay được bọc bằng teflon để thêm khả năng dẫn điện. Sợi cáp được trang bị một hệ thống cách nhiệt có thể ngắt dòng điện nếu bị cắt đứt để đảm bảo an toàn.
Phần đầu kết nối cáp One Invisible Connection với TV có sẵn đường đi dây gọn gàng. Độ dài 5 mét giúp dễ dàng bố trí TV ở nhiều vị trí trong nhà mà không lo về khoảng cách (có thêm phụ kiện tùy chọn 15m).
Hộp kết nối One Connect của QLED Q7F 2018 lớn hơn hẳn thế hệ trước do chứa thêm phần nguồn cho TV.
3 cổng USB được chuyển hết về cạnh bên, tốc độ mới dừng lại ở mức 2.0 trong có một cổng với điện áp 1A để tối ưu cho các ổ cứng gắn ngoài.
Các kết nối hình ảnh, âm thanh chủ đạo được đặt tập trung hết ở mặt sau với 4 cổng HDMI trong đó có 1 cổng hỗ trợ ARC (Audio Return Channel) để xuất ngược âm thanh ra loa, âm ly, dàn máy; 1 cổng mạng LAN, 1 cổng âm thanh Optical, cổng hình ảnh/âm thanh Component, cổng ANT cắm Ăng ten, dây truyền hình cáp, 1 cổng Service để phục vụ công tác bảo trì, bảo hành.
Để bảo vệ phần màn hình trong quá trình vận chuyển, lắp đặt, TV được dán sẵn 2 tấm đệm ở 2 cạnh và một tấm nylon mỏng tựa như tấm dán màn hình trên smartphone để tránh va đập, trầy xước.
Khi đã lắp đặt xong hết tất cả mọi thứ, người dùng mới tháo tấm bảo vệ này ra.
Ngay lần đầu tiên bật TV lên, bạn sẽ được khuyến khích tải về ứng dụng SmartThings để kết nối điện thoại với TV. SmartThings cho phép người dùng điều khiển từ xa, truyền hình ảnh, âm thanh ngay từ smartphone lên các TV Samsung QLED.
TV cũng được tích hợp sẵn kết nối không dây WiFi, đáng chú ý khi QLED Q7F 2018 hỗ trợ cả bằng tần WiFi 5 GHz để tận dụng được hết mạng tốc độ cao, giảm nhiễu, giảm độ trễ.
Giao diện hệ điều hành Tizen 4.0 của QLED Q7F 2018 không thay đổi nhiều so với Tizen 3.0 trên QLED 2017. Các ứng dụng vẫn được xếp theo dạng những ô gạch nằm ngang. Mỗi khi di chuyển đến ứng dụng nào, các nội dung nổi bật của ứng dụng đó sẽ được hiển thị để người dùng tiện theo dõi, lựa chọn.
Tại CES 2018, Samsung từng giới thiệu về trợ lý ảo Bixby trên các mẫu QLED 2018 của họ. Tuy nhiên, hiện thị trường Việt Nam chưa có tính năng này mà mới chỉ hỗ trợ các lệnh thoại cơ bản.
Một tính năng mới đáng chú ý trên dòng QLED năm nay của Samsung là Ambient Mode, cho phép biến TV thành khung tranh hay "tàng hình" vào khung cảnh xung quanh, làm cho căn phòng bớt đơn điệu hơn so với việc để TV màn hình đen thông thường khi không sử dụng đến.
Theo Samsung, chế độ hình nền này sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng của hãng, khi kích hoạt nó chỉ tiêu thị khoảng 40% lượng điện năng để phát TV tiêu chuẩn, và do sử dụng tấm nền LCD nên sẽ không bị hiện tượng lưu ảnh.
Có khá nhiều chế độ trong Ambient Mode để người dùng lựa chọn như hiển thị thông tin về thời tiết, ngày giờ...
Chế độ khung tranh cho phép bạn tùy biến hiển thị chính những bức ảnh từ điện thoại hay máy tính.
Mặc định, màu sắc của QLED Q7F 2018 vẫn theo hướng tươi sáng và rực rỡ theo truyền thống của Samsung. Người dùng có thể chọn chế độ màu sắc chuẩn để màu sắc hiển thị trung tính, gần với thực tế hơn.
Năm nay các mẫu Samsung QLED đã chuyển sang sử dụng chuẩn HDR10+ thay vì HDR 1500 như thế hệ trước bên cạnh việc hỗ trợ 2 chuẩn HDR phổ biến là HDR10 và HLG.
Độ sáng trung bình của Q7F 2018 đạt 500 cd/m2 và có thể tăng lên mức 1500 cd/m2 trong những cảnh HDR.
Độ tương phản tĩnh theo Samsung công bố đạt mức 4000:1.
Tấm nền 10 Bits, tần số quét 120 HZ, độ phản hồi đạt mức 19ms, nhanh hơn mức 21ms của thế hệ 2017, tối ưu hơn khi chơi game.
Màu đen thể hiện khá tốt nhờ công nghệ làm tối cục bộ Local Dimming và chấm lượng tử Quantum Dot.
Các chấm lượng tử Quantum Dot cũng làm dải màu rộng hơn, sống động hơn, nhất là khi xem các hình ảnh nhiều màu sắc. Samsung công bố TV của họ có thể hiển thị 1 tỷ màu sắc với độ phủ 100% dải màu RBG.
Độ phân giải 4K (3840 x 2160 pixel) trên kích thước 55 inch đảm bảo hiển thị sắc nét, chi tiết. Samsung công bố họ sử dụng bộ xử lý Q Engine 4K, giúp nâng cấp chất lượng nội dung SD hay HD thông thường lên chuẩn 4K dựa vào công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Góc nhìn của QLED Q7F 2018 ở mức trung bình, không ấn tượng được như dòng Q8 và Q9 cao cấp hơn.
Việc lướt web trên QLED Q7F 2018 đã dễ chịu hơn do phông chữ được xử lý mịn màng, sắc nét.
Người mua TV Samsung QLED 2018 sẽ được tặng 12 tháng sử dụng miễn phí một số dịch vụ như Film+, FPT Play, Clip TV, Pop Kids và Home Karaoke.
Viền màn hình mỏng giúp nội dung hiển thị rộng rãi, thoáng đãng, sống động hơn
Với nhiều công nghệ mới được tích hợp, Samsung QLED Q7F 2018 55 inch là lựa chọn đáng chú ý trong mùa World Cup 2018 đang đến rất gần.