NVIDIA mới đây đã giới thiệu dòng GPU mới nhất dành cho máy tính xách tay: GeForce 800M. Series này bao gồm GTX 850M, GTX 860M, GTX 870M, GTX 880M và hãng gọi đây là những bộ xử lí đồ họa nhanh nhất thế giới dành cho laptop tính đến thời điểm hiện tại. Được biết 880M và 870M được thiết kế dựa trên kiến trúc NVIDA Kepler, trong khi chip 860M chạy Kepler hoặc kiến trúc Maxwell 28nm mới, và cuối cùng 850M thì chỉ dựa vào Maxwell mà thôi. Không thể không kể đến những GPU dành cho phân khúc phổ thông là GeForce 840M, 830M dựa trên Maxwell và GeForce 820M dựa trên kiến trúc Fermi cũ.
NVIDIA nói rằng con chip 880M bộ nhớ vRAM 4GB có thể chơi tốt các game đầu bảng ở độ phân giải 1920 x 1080 trở lên với thiết lập cấu hình cao nhất và hiệu năng của nó sẽ cao hơn 15% so với người tiền nhiệm 780M.
Về con chip 850M, NVIDIA hứa hẹn nó có khả năng đảm đương các game nặng ở độ phân giải 1920 x 1080 và chiếc laptop sử dụng chip này chỉ có độ dày khoảng 21mm mà thôi. Trong khi đó, ba năm về trước lúc GPU còn là GTX 580M, để chơi được những trò chơi như thế thì laptop phải dày đến 55mm. Ngoài ra, GTX 850M còn hứa hẹn sẽ có hiệu năng cao hơn 30% so với người tiền nhiệm của mình.
Những GPU GTX 800M cũng đi kèm theo nhiều tính năng mới, đầu tiên là
Battery Boost. Đây là một thiết lập tự động nhằm giúp laptop tiết kiệm pin và nó có thể kéo dài thời lượng sử dụng lên cao nhất là gấp hai lần so với bình thường. Nó sẽ kiểm soát CPU, GPU, RAM cũng như tự động tinh chỉnh độ sáng màn hình, độ phân giải, chất lượng hình ảnh, số khung ảnh mỗi giây nhằm giảm lượng điện tiêu thụ và cho phép bạn chơi game lâu hơn. Người dùng được phép can thiệp vào bất kì thiết lập nào hoặc tắt hoàn toàn Battery Boost đi nếu không muốn xài.
Một tính năng mới đáng chú ý khác là
ShadowPlay cho phép người chơi phát sóng trực tiếp game của mình lên nền tảng video trực tuyến Twitch để những người khác cùng theo dõi. Video được truyền đi ở độ phân giải Full-HD 1080p. Nếu người dùng đang xài laptop có GPU thuộc dòng GeForce 700M hoặc 600M thì cũng có thể dùng được ShadowPlay thông qua bản cập nhật của bộ phần mềm GeForce Experience ra mắt cuối tháng này. NVIDIA nói rằng game thủ đã thu lại hơn 3 triệu video bằng công nghệ này.
Cuối cùng là công nghệ NVIDIA
GameStream giúp chúng ta truyền game từ một PC chính chạy GPU GeForce đến các thiết bị tương thích với công nghệ GameStream, điển hình như máy chơi game NVIDIA Shield. Người dùng có thể điều khiển game bằng cần joystick và các nút của Shield, hình ảnh cũng sẽ được hiển thị lên màn hình của chiếc máy này, nhưng việc xử lí chính lại do PC đảm nhiệm để có được chất lượng tốt hơn.
Chúng ta cũng gặp lại người bạn cũ NVIDIA
Optimus trên loạt GPU GTX 800M. Công nghệ này sẽ tự động chuyển đổi giữa GPU rời với GPU tích hợp tùy tác vụ mà người dùng đang chạy. Khi làm những việc nhẹ nhàng thì để bộ xử lí đồ họa tích hợp đảm nhiệm nhằm kéo dài thời lượng pin, còn khi cần chỉnh sửa ảnh, dựng phim hoặc chơi game thì đó là lúc GPU rời được kích hoạt. Khi đó, GPU tích hợp chỉ có tác dụng điều khiển màn hình nên người dùng không cần phải khởi động lại máy tính của mình.
NVIDIA cũng có nói thêm rằng 85% tựa game hiện nay không chơi tốt trên GPU Intel HD Graphics 4400 tích hợp trong một số vi xử lí Intel Core i đời thứ 4 (Haswell), và 75% game thì không chơi được trên GPU Intel Iris 5100. Đó là lý do mà chúng ta vẫn cần đến GPU rời của hãng. (Chơi được thì định nghĩa của NVIDIA tức là game có thể chạy mượt 30fps ở độ phân giải 1366 x 768 và không bật các hiệu ứng hình ảnh cao cấp).
Về phần Intel Iris Pro Graphics 5200, GPU tích hợp mạnh nhất của Intel tính đến thời điểm hiện tại và chỉ được xài trong các CPU Haswell mạnh mẽ, NVIDIA nói rằng nó sẽ tiêu thụ đến 43W điện khi chơi Skyrim ở độ phân giải 1080p nhưng số khung hình chỉ là 19fps. Trong khi đó, GPU GTX 840M chỉ cần 17W điện nhưng có thể đẩy tốc độ lên thành 30fps, đảm bảo một trải nghiệm vừa đủ cho game thủ.
Trong thời gian tới, nhiều công ty máy tính sẽ ra mắt laptop chạy GPU GTX 800M, trong đó có Alienware, Asus, Gigabyte, Lenovo, MSI và Razer.
Cấu hình chi tiết các GPU 800M mới
Hiệu năng theo ước tính của NVIDIA
Nguồn: NVIDIA, PCWorld