Được trang bị chip DAC riêng AK4375 hỗ trợ giải mã 32bit/192kHz của hãng âm thanh AKM, Vivo V3 Max cho mình ấn tượng khá tốt bởi chất âm sáng, độ chi tiết đáng chú ý, độ động khá cùng âm trường tương đối rộng rãi, giàu cảm xúc. Và cái làm mình thích hơn chính là chẳng những V3 Max có app nghe nhạc riêng mà còn khá "nghiêm túc" trong việc hỗ trợ đọc file playlist nhạc .cue, hỗ trợ rất nhiều công cụ tune chỉnh âm thanh, tai nghe,... Mặc dù còn đó những điểm đơn sơ về mặt giao diện nghe nhạc cũng như đặc điểm cố hữu của 3 dải âm kiểu "V shape" nhưng nhìn chung chúng ta vẫn có một chiếc điện thoại biết chơi nhạc và chơi khá tốt ở thời điểm hiện nay.
Làm phần mềm nghe nhạc rất "nghiêm túc" Xin nói về cái làm mình thích nhất ở V3 chính là app nghe nhạc riêng. Mặc dù giao diện của ứng dụng có thể nói là quá giản đơn, không bắt mắt và thậm chí còn không hỗ trợ đọc ID3 tag nên sẽ không có hình album, khó lòng duyệt theo tên ca sĩ hay album,... nhưng ở góc độ nào đó thì khả năng duyệt nhạc vẫn có thể gọi là đơn giản và tiện dụng. Đáng chú ý hơn, V3 là một trong những chiếc điện thoại hiếm hoi hỗ trợ đọc file playlist nhạc .cue, điều mà nhiều mẫu máy Android khác trên thị trường không làm được (do phần lớn xài app nghe nhạc stock của Google).
Mình
đánh giá cao khả năng này bởi vô hình chung, điều đó tạo cho mình cảm giác
Vivo họ nghiêm túc từ khâu làm phần mềm nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ "hifi" mà họ tuyên bố V3 có thể làm được. Và cũng như truyền thống của dòng X và một số mẫu máy trước đây của Vivo, V3 max cũng hỗ trợ khá nhiều tính năng tinh chỉnh âm thanh mà nếu lần đầu tiếp xúc bạn sẽ khá "bối rối" để làm quen. Chức năng BBE cho phép chúng ta có thể tùy chọn các hiệu ứng giả lập tăng cường âm trường, mức gain, mức bass,.... Đồng thời máy hỗ trợ profile cho một số mẫu tai nghe đi kèm của hãng, các mẫu in-ear mà họ cho là thông dụng của Bose, Sennheiser,... Máy đọc được khá nhiều định dạng nhạc, từ lossless 24, 32 bit,... không đọc được DSD.
Và như đã nói lúc đầu, Vivo V3 Max được trang bị chip DAC riêng AK4375 của AKM. Thông tin mình đọc được thì đây là con chip DAC hỗ trợ giải mã 32bit/192kHz hướng tới các mẫu máy nghe nhạc di động, trang bị công nghệ âm thanh mà họ gọi là Velvet Sound nhằm tạo ra tính "hifi" (quảng cáo ghê quá
). Và DAC sẽ được kích hoạt khi cắm tai nghe vào máy, biểu tượng Hi-Fi sẽ hiện lên ở góc trái báo hiệu. Mặc dù đây chưa phải là mẫu chip DAC cao cấp nhất trong số những con chip DAC riêng trên những mẫu điện thoại khác nhưng có lẽ nhờ cách tune chỉnh âm, bộ amp tích hợp và đặc biệt là sự hỗ trợ về mặt phần mềm mà hiệu năng nghe nhạc thật sự là khá ấn tượng. Ấn tượng sao? Mời đọc bên dưới.
Trải nghiệm nhanh chất âm: Khả năng kéo tai nghe đáng chú ý, độ động, độ chi tiết khá, âm kiểu V-shape, treble đôi khi chói Bên dưới đây chỉ là một số trải nghiệm hết sức sơ khai của mình trong vài tiếng mượn được V3 để nghe nhạc. Mình để ở chế độ mặc định, không tùy chỉnh âm thanh bằng phần mềm, chỉ cắm tai nghe vào nghe. Các trải nghiệm đều sẽ rất chủ quan, cảm tính và hy vọng sẽ lại được mượn để test lâu hơn. Tuy nhiên, hy vọng sẽ cung cấp cho các bạn một góc nhìn dù rất nhỏ về mẫu điện thoại này.
Nhìn chung âm của Vivo V3 Max khá sáng, trường âm thoáng và độ chi tiết ở mức khá so với mặc bằng chung của nhiều chiếc điện thoại khác, thậm chí là đối với các mẫu máy có chip DAC riêng. Trong một phép so sánh, độ chi tiết mà V3 thể hiện là có thể so với V10 của LG, một trong những chiếc điện thoại có độ chi tiết âm nhạc cao mà mình có dip sử dụng. Một người bạn đã bày cho mình xài bài Nó và tôi của anh ca sĩ Trường Vũ để test chi tiết cũng như độ động và xin thưa: mình nghe được tiếng mưa rơi!
Lại nói về 3 dải âm. Mình dùng hình chữ V như một biểu đồ tưởng tượng để diễn tả lần lượt 3 dải âm bass, mid và treble của Vivo V3. Mặc dù mid của V3 có khuynh hướng tiến, kết hợp với lợi thế về độ chi tiết ở toàn dải,... nên cho cảm giác khá dễ chịu, an toàn nhưng cá nhân mình cho rằng hơi thiếu một chút về mặt năng lượng. Và bởi thế, trong một số tình huống sẽ dẫn tới hơi mờ và thiếu một chút cảm xúc, tình cảm cần thiết. Đổi lại, chúng ta có bass khá giàu năng lượng, đảm bảo những thứ cần (mặc dù chưa đủ) để tạo nên một âm bass "chất". V3 Max đánh bass khá nhanh, chặt chẽ, có lực và đôi khi "làm quá" nên lấn lên mid một chút. Tuy nhiên, nhìn chung thì với chất bass như thế, tiết tấu và giai điệu của bài nhạc vẫn được đảm bảo và "sung".
Điểm đáng chú ý là nếu như cách đây không lâu mình nghe HTC 10 hơi thiếu treble thì ở V3 Max, treble được cho thoải mái "bung lụa" với rất nhiều năng lượng. Qua tests thử với Sabre Dance hay Phiên Chợ Ba Tư thì điều đó rõ ràng được thể hiện: chúng ta có tiếng kéo vĩ kết hợp cùng bộ gõ ở những nốt cao, tiết tấu nhanh, được thể hiện khá chi tiết, giàu năng lượng và rất có sức sống. Có trường hợp đây là một lợi thế thì trong một số trường hợp khác, đặc biệt là trong một số vocal thì đây lại là nhược điểm của treble ở V3 Max. Bởi quá giàu năng lượng nên sẽ xảy đến trường hợp bị chói, harsh ở những nốt cao, tiếng kéo đuôi của treble sau tiếng ca sĩ xảy ra, một điểm trừ và cũng là đặc điểm mà nhiều mẫu thiết bị nhiều treble mắc phải.
Nhìn chung, ở phân khúc tầm trung, nếu chỉ xét riêng về khả năng nghe nhạc thì Vivo V3 Max là một chiếc điện thoại khá đáng chú ý, phần mềm được đầu tư chăm chút kỹ lưỡng, mặc dù chưa đẹp nhưng rất tiện dụng, giản đơn về mặt hình thức nhưng không hề đơn giản về mặt sử dụng. Chip DAC 32 bit cho độ chi tiết, độ động và âm trường khá đáng chú ý, bass và treble tạo ấn tượng mạnh cho nhiều người ngay từ lần "gặp gỡ" đầu tiên cũng là một trong những điểm đáng cân nhắc đối với những ai có cùng gu mà chiếc điện thoại này mang lại. Xin cám ơn đã đọc và chúc vui.