Dù muốn dù không, Google đang kiểm soát mọi hoạt động của bạn, không chỉ trên mạng mà cả ngoài đời thực qua việc định vị. Vậy có thể nào "cắt đuôi" được Google?
Ở bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra một số thông tin và hành vi của bạn vẫn đang hàng ngày được Google cẩn thận lưu lại. Bạn nên biết điều này, cũng như đưa ra cho bạn một số cách thức để giảm thiểu việc bị theo dõi hàng ngày.
1. YouTube góp phần "tố cáo" thông tin cá nhân của bạn với Google
Bạn có để ý rằng trang chủ YouTube thường có mục "Video được đề xuất cho bạn" không? Bạn sẽ thấy những video xuất hiện trong mục này có mối liên hệ mật thiết với những gì bạn thường xem trước đó. Nếu bạn xem phim tình cảm lãng mạn, hay phim hoạt hình, hay chuyên mục video nào khác, YouTube cũng sẽ tự động đề xuất cho bạn hình thức video tương tự. Điều này có nghĩa lịch sử tìm kiếm video của bạn đã được lưu lại và là cơ sở để youtube quản lý cũng như chăm sóc cho bạn.
Một minh chứng cho việc Google "hiểu" bạn như thế nào được thể hiện ở trang Cài đặt quảng cáo (như chụp màn hình bên dưới). Sau khi đăng nhập, bạn sẽ nhìn thấy một hồ sơ cá nhân mà Google đã xây dựng cho riêng bạn, dựa trên những video bạn xem và lịch sử tìm kiếm của bạn. Từ đó Google có thể ước lượng được khoảng tuổi cũng như liệt kê một số sở thích của bạn.
Dĩ nhiên, việc ghi lại lịch sử tìm kiếm YouTube của bạn sẽ khiến Google "ghi điểm" trong mắt bạn về sự chăm sóc tận tình và thấu hiểu khách hàng. Và điều này cũng giúp bạn thuận tiện hơn cho bạn khi giải trí thông qua kênh YouTube yêu thích của mình.
Tuy vậy, cảm giác bị theo dõi vẫn đâu đó luẩn quẩn trong đầu chúng ta. Và có vẻ như Google cũng biết rằng bạn đã phát hiện ra việc bị theo dõi, nên đã thanh minh rõ ràng:
Mặc dù Google là một công ty lớn, và công ty lớn này cũng đã lên tiếng cam kết sẽ sử dụng thông tin cá nhân của bạn một cách hợp lý, nhưng chúng ta có nên tin tưởng hoàn toàn? Việc thông tin cá nhân của bản thân dễ dàng bị "đọc vị" như vậy có khiến bạn hoang mang vì có cảm giác bị mất kiểm soát ngay chính với những thông tin của riêng mình?
2. Giọng nói của bạn cũng được ghi lại toàn bộ
Gần đây, chức năng tìm kiếm bằng giọng nói của Google đang trên đà phát triển và nhận được sự ủng hộ, yêu thích của rất nhiều người dùng. Tìm kiếm bằng giọng nói giúp giải phóng đôi tay của bạn khỏi bàn phím máy tính hay điện thoại, kết quả tìm kiếm bằng giọng nói cũng được nâng cao và ngày càng chính xác hơn.
Tuy nhiên, thêm một sự thật đau lòng nữa dành cho bạn: Giọng nói cùng mọi thông tin tìm kiếm bằng giọng nói của bạn đều được ghi âm lại và lưu lại. Mỗi lần bạn nói vào chiếc míc nhấp nháy trên màn hình, là một lần bạn cung cấp cho Google file ghi âm giọng nói của chính mình.
Nếu bạn không tin, bạn có thể kiểm chứng ở trang web này.
Có thể việc nghe lại giọng nói của mình là điều khá thú vị. Nhưng hãy nghĩ rằng nếu một ngày nào đó, thông tin về giọng nói của bạn không còn là bí mật giữa bạn và Google, thì bạn có tiên liệu được việc gì sẽ xảy ra không?
Vậy, làm cách nào để xóa những tìm kiếm này?
Cách 1: Bạn muốn xóa từng hoạt động đơn lẻ
Việc bạn cần làm chỉ là nhấp chuột vào hoạt động bạn cần xóa, khi đó, một hộp thoại sẽ hiện nổi lên. Bạn chỉ cần chọn vào mục ba chấm dọc và nhấp chuột vào phần "Xóa".
Cách 2: Nếu bạn muốn xóa các hoạt động cùng loại.
Bạn hãy vào mục "Xóa hoạt động theo" ở phía bên trái màn hình.
Sau đó, bạn chọn các tùy chỉnh xóa lịch sử tìm kiếm:
Bạn có thể tùy chỉnh xóa các nội dung trong vòng "hôm nay", "hôm qua", "7 ngày qua", "30 ngày qua" hoặc "xoá tất cả thời gian" tùy theo lựa chọn của bạn.
Ở phần bên dưới, bạn có thể lựa chọn xóa các tìm kiếm từ chrome, từ maps, play, v.v…. phụ thuộc vào những tìm kiếm nào bạn không muốn xuất hiện.
Sau khi tùy chọn xong các chỉ tiêu trên, bạn chỉ cần nhấp chuột vào ô "Xóa" ở góc trái dưới của hộp thoại hiện ra.
3. Dù bạn tìm kiếm thông tin gì, Google cũng lưu lại
Điều này tôi tin rằng nhiều bạn cũng đã biết. Cách xóa các thông tin lịch sử tìm kiếm cũng khá đơn giản. Bạn chỉ cần vào trang lịch sử của Chrome, sau đó chọn lựa các mục tìm kiếm cần xóa, rồi ấn "Xóa các mục đã chọn" (Remove Selected Items)
Hoặc bạn có thể chọn "Clear browsing data" nếu muốn xóa nhiều thông tin tìm kiếm cùng một lúc. Sẽ có một hộp thoại hiện ra cho bạn lựa chọn:
Sau khi tùy chỉnh các hoạt động bạn muốn xóa theo các danh mục được liệt kê sẵn, bạn chỉ cần nhấp chuột vào ô nổi "Clear browsing data" ở góc dưới hộp thoại, và lịch sử tìm kiếm của bạn sẽ biến mất khỏi trang lưu trữ của Google.
Một cách khác bạn có thể sử dụng để xóa lịch sử tìm kiếm của mình. Hãy truy cập trang web này, và tiến hành các bước giống như xóa các tìm kiếm bằng giọng nói đã được đề cập phía trên:
Bạn cũng có thể vào trang web Quản lý hoạt động Google, rồi gạt thanh trạng thái từ on sang off.
Nút trạng thái (màu xanh)
Google sẽ xác nhận với bạn một lần nữa về hoạt động tạm dừng lịch sử này:
Bạn sẽ nhận thấy có các phần mục quản lý như: Hoạt động web và ứng dụng, Lịch sử vị trí, Thông tin thiết bị, Hoạt động giọng nói và âm thanh, lịch sử tìm kiếm trên YouTube, Lịch sử xem trên YouTube. Bạn có thể tắt một vài hoặc tất cả các phần trên để tránh bị theo dõi trong tương lai.
4. Google ghi lại lịch sử vị trí của bạn
Google luôn biết bạn đang ở đâu mọi lúc mọi nơi dù bạn không bật WiFi hay GPS. Bạn sẽ thấy điều thày thật có ích cho việc tìm đường của bản thân ngay cả khi không có mạng. Tuy vậy, nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy không thoải mái khi biết rằng việc bạn đi những đâu, đi bằng phương tiện gì, đi trong khoảng thời gian nào đều được ghi lại cẩn thận và chi tiết, đúng không?
Nếu bạn không thích bị theo dõi như vậy, bạn vẫn có thể xóa lịch sử vị trí của mình cũng như dừng việc theo dõi lịch sử vị trí của bạn trong tương lai. Hãy tham khảo chi tiết cách thức xóa lịch sử vị trí của bạn ở đây.
Hãy xóa hết các tài khoản online của bạn nếu cần
Đôi khi, bạn nhận ra rằng mình đã lỡ cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân, mật khẩu, tuổi, giới tính, ngày sinh… trên các trang mạng xã hội hoặc các diễn đàn thông qua việc đăng ký tài khoản. Trong trường hợp bạn muốn tách khỏi hoàn toàn những trang mạng xã hội và diễn đàn đó, tốt hơn hết bạn hãy xóa toàn bộ các tài khoản online của mình.
Có một trang web có thể giúp bạn thực hiện việc này.
Bạn hãy truy cập vào Deseat.me; Sau đó đăng nhập tài khoản Gmail thường dùng của bạn.
Tiếp đó, một danh sách các trang web đang sử dụng thông tin cá nhân liên quan đến tài khoản gmail của bạn sẽ hiện ra. Và việc của bạn là lựa chọn "Giữ lại" trang web đó hay "Thêm vào danh sách xóa". Bằng cách này, bạn có thể dễ dàng quản lý được các tài khoản online của mình.
Một lần nữa chúng ta cần công nhận rằng, Google là một "thám tử" siêu đẳng. Từ những thông tin nhỏ lẻ chúng ta cung cấp, Google đã tổng hợp lại và có thể miêu tả gần như chính xác chúng ta là ai, chúng ta thích gì, chúng ta thường hay đi đâu và chúng ta nên làm gì tiếp theo.
Trong một vài trường hợp, người dùng sẽ không thích điều này. Và họ hoàn toàn có quyền tự tách mình ra khỏi hệ thống theo dõi hoàn hảo của Google. Dù việc truy cập internet để tìm kiếm thông tin cũng như giải trí là hoạt động hàng ngày và không thể thiếu của mỗi chúng ta, nhưng người dùng vẫn cần được bảo mật các thông tin cá nhân một cách tối đa nhất. Bài viết này đã đưa ra một số cách thức giúp bạn lựa chọn Google được phép và không được phép theo dõi những hành vi nào của bản thân. Hi vọng bài viết này sẽ phần nào hữu ích đối với bạn.