Facebook vừa ra mắt Marketplace giúp bạn mua bán các vật phẩm với những người dùng xung quanh.
Facebook đang dấn thân sâu hơn vào thương mại điện tử với việc ra mắt Marketplace – cho phép người dùng trao đổi, mua bán hàng hóa với những người khác trong cộng đồng. Công ty cho biết Marketplace sẽ có mặt trong tuần này tại các thị trường như Mỹ, Anh, Úc và New Zealand. Theo thống kê mới đây, có khoảng 450 triệu người sử dụng Facebook để mua bán hàng hóa mỗi tháng, chủ yếu là thông qua các nhóm nhỏ được thành lập trên mạng xã hội này. Với Marketplace, Facebook cung cấp cho người dùng một quy trình cụ thể để tiến hành các giao dịch.
Biểu tượng của Marketplace sẽ thay thế vị trí ở giữa (hàng dưới cùng) của Messenger trên ứng dụng Facebook di động. Khi nhấp vào biểu tượng này, nó sẽ mang bạn đến một trang bao gồm các hàng hóa mà bạn có thể quan tâm. Facebook sử dụng các thuật toán để đánh giá sự quan tâm của bạn đối với một loại mặt hàng nào đó dựa trên lượng "like" của bạn trên các bài đăng trước đây hoặc những hoạt động mua bán của bạn trên Marketplace. Để bán một mặt hàng nào đó, bạn chỉ cần tải ảnh lên, thiết lập một tên, mô tả về nó và đưa ra giá cả cùng địa chỉ của mình.
Phần còn lại khá đơn giản, bạn có thể duyệt danh mục các mặt hàng để mở rộng phạm vi truy vấn cho sản phẩm mà mình muốn bán. Bạn cũng có thể thay đổi vị trí của mình để tìm kiếm trong các danh mục sản phẩm tại các địa điểm khác. Hiện tại, Marketplace chưa được thiết kế dành cho phiên bản Facebook trên máy tính để bàn, nghĩa là Facebook muốn tập trung nhiều hơn cho thương mại di động.
Bowen Pan, người quản lý dự án này của Facebook cho biết: "Chúng tôi thấy nhiều người tiếp cận Marketplace mà không biết rõ họ cần tìm kiếm những thứ gì. Họ chỉ tình cờ lướt qua Marketplace. Điều này giống như việc bạn đi mua sắm tại các trung tâm nhưng trước đó không rõ là mình sẽ mua những gì". Trên phương diện này, Marketplace là một sản phẩm lai tạo giữa eBay, Craigslist, và Amazon.
Thương mại điện tử là mảnh đất màu mỡ mà Facebook đang hướng đến trong tương lai. Công ty không có kế hoạch thu phí giao dịch và đây là ưu điểm của Marketplace so với các đối thủ cạnh tranh. Thay vào đó, cái mà Facebook đạt được là có nhiều hơn người sử dụng dịch vụ của họ mỗi ngày.
Nếu người dùng bắt đầu chuyển sang Marketplace (đặc biệt là chỉ để duyệt qua những thứ họ có thể hoặc không cần), lượng truy cập vào ứng dụng di động của công ty sẽ tăng lên và doanh số từ quảng cáo cũng theo đó mà tăng. Ước tính, khoảng 84% doanh thu của Facebook được tạo ra từ điện thoại thông minh và tính đến tháng Bảy vừa qua đã có hơn 1 tỷ người dùng di động sử dụng ứng dụng mạng xã hội này.
Với việc ra mắt Marketplace, nhiều người dùng cũng tỏ ra quan tâm đến vấn đề riêng tư và an toàn thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ này. Tất nhiên, Facebook sẽ kiểm soát và cấm bán các mặt hàng như các loại thuốc, thuốc nổ, súng, động vật, rượu… Về mặt an toàn và an ninh tài chính thì Marketplace chưa có cam kết đảm bảo như với eBay. Tất cả việc bán hàng được xử lí ngoại tuyến và do người dùng tự tiến hành.
Pan cho biết: "Chúng tôi xây dựng các công cụ giúp khách hàng báo cáo về những vi phạm chính sách của dịch vụ". Tuy nhiên, Facebook sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào khi bạn giao dịch ngoài đời thực (sau khi thỏa thuận mua bán trên Marketplace).
Để người dùng yên tâm, Facebook đang nghiêng về phía lập trường chống giấu tên khi giao dịch. Marketplace sẽ thu thập một số thông tin bổ sung từ hồ sơ của bạn khi bạn quyết định buôn bán trên dịch vụ này. Bằng cách này, người mua có thể nhìn thấy những thông tin cơ bản về người bán như vị trí và thời gian người này tham gia Facebook. Công ty hi vọng những thông tin này sẽ là chỉ số đánh giá độ tin cậy của một người khi tham gia giao dịch.