Alex Schultz, một giám đốc của Facebook, viết trong bức thư gửi đến Liên hiệp Tự do Công dân Mỹ (ACLU) và Tổ chức Tiền phong Điện tử (EFF): "Chúng tôi muốn giảm thiểu số lượng người dùng bị yêu cầu xác nhận tên gọi của họ trên Facebook, trong khi họ đã dùng cái tên mà người khác đã biết đến họ... Vì thế chúng tôi muốn giúp mọi người cảm thấy dễ dàng hơn để xác thực tên của họ khi cần thiết".
Schultz cũng nhấn mạnh thêm người dùng Facebook hiện không cần dùng tên thật của họ, nhưng phải dùng cái tên mà họ sử dụng trong đời thật. Còn chính sách tên gọi mới của công ty này sẽ có hiệu lực trong tháng 12 tới. Hiện tại chính sách tên gọi của Facebook đang bị nhiều cơ quan, tổ chức chỉ trích bởi vì có nhiều người dùng, với các lý do cá nhân - như nạn nhân các vụ bạo hành gia đình (được đăng báo) hoặc những người thuộc cộng đồng LGBT - không muốn dùng tên thật vì có thể gặp rắc rối trong cuộc sống.
Ngoài ra, cũng có một số vấn đề khác liên quan tới cơ chế đặt tên và xác định danh tính của chính quyền. Những dân tộc thiểu số tại Mỹ có tên gọi trong làng hay bộ lạc của họ khác với cái tên có trên chứng minh thư hoặc hộ chiếu của họ. Thường thì những người này sẽ dùng cái tên trong làng trên Facebook nhưng khi công ty này yêu cầu họ trình giấy tờ tuỳ thân để xác nhận, mọi thứ trở nên bế tắc. Tài khoản của nhiều người đã bị khoá chỉ vì cơ chế xác thực tên gọi này.
Schultz cũng thừa nhận cơ chế hiện nay của Facebook "không đáp ứng cho tất cả mọi người". Tuy vậy yêu cầu của mạng xã hội này là người dùng phải có cái tên được mọi người biết tới nhằm đảm bảo tính chính xác của chúng - vì đã có những trường hợp mạo danh người khác nhưng không chứng minh được đó là tài khoản "thật".
Do đó, với những trường hợp không có giấy tờ tuỳ thân hoặc giấy tờ tuỳ thân không đáp ứng được quá trình xác thực, cơ chế xác thực tên gọi mới của Facebook, theo Schultz, sẽ cho phép người dùng giải trình tại sao họ lại dùng cái tên trên. Ngoài ra để giảm thiểu số trường hợp người dùng bị người khác "report" dùng tên giả, những người "report" người khác này sẽ bị yêu cầu đưa ra bằng chứng cho chuyện đó.
Schultz viết tiếp trong bức thư: "Cần có một sự cân bằng để làm đúng đắn chuyện này. Chúng tôi muốn tìm ra một lằn ranh nhằm tối thiểu hoá tình trạng 'bắt nạt' trên thế giới ảo, nhưng cũng phải tối đa hoá khả năng người dùng tự xác nhận danh tính của họ".
Theo USA Today