Nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp kinh doanh hàng thiết yếu trước đây chỉ biết kênh phân phối bán hàng qua các đại lý, cửa hàng thì hiện nay đã bắt đầu rục rịch dọn hàng lên mạng để bán.
Khách hàng ngày càng thích mua hàng trên mạng hơn - Ảnh: T.T.D (báo Tuổi Trẻ)
Không chỉ tìm đầu ra cho sản phẩm, việc tìm đến thương mại điện tử được các doanh nghiệp xem như kênh tiếp thị quảng bá, giữ chân người tiêu dùng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Online mua bột giặt, nước rửa chén...
Sau hơn 30 năm miệt mài đem hàng đi bán trên thị trường, đi vào từng ngõ ngách các chợ vùng sâu vùng xa khắp đất nước, gần đây ông Lương Vạn Vinh, giám đốc Công ty Mỹ Hảo, quyết định thành lập một website để bán hàng với các sản phẩm của công ty như nước xả vải, bột giặt, nước rửa chén...
Với hóa đơn 300.000 đồng, khách sẽ được giao hàng tận nơi. Ông Vinh cho rằng cạnh tranh hiện nay trên các cửa hàng truyền thống quá khốc liệt, giành giật nhau từng cm2 trên kệ, trong khi tiếp thị của doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN khó có thể so với các tập đoàn đa quốc gia. "Do đó, bán hàng online là cách tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn, dù khó khăn lớn nhất là chi phí giao hàng khá cao" - ông Vinh nói.
Cũng có hệ thống cửa hàng trải dọc cả nước với 85 địa điểm, gần đây ông Nguyễn Trí Kiên, tổng giám đốc túi xách Miti, quyết định đầu tư website để đưa các sản phẩm lên mạng bán hàng. Hệ thống chăm sóc khách hàng được xây dựng, nhân viên online thường trực sẵn sàng trả lời khách hàng, các chương trình giảm giá, ưu đãi cũng được cập nhật thường xuyên hơn...
Theo ông Kiên, từ khi triển khai, mức độ tiếp xúc giữa nhà sản xuất và khách hàng được tăng lên. Trong kế hoạch đề ra, doanh nghiệp này muốn nâng doanh thu kênh bán hàng online chiếm 30% so với kênh bán hàng truyền thống.
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà nhiều tiểu thương ở các chợ cũng bắt đầu tập tành kinh doanh trực tuyến. Từ giữa năm 2014, tiểu thương chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) bắt đầu đề cập một website riêng để đem hàng lên giới thiệu và kinh doanh.
Chị Thanh, tiểu thương hàng thời trang ở chợ này, cho biết chợ không chỉ là nơi buôn bán mà còn là địa điểm du lịch, nếu có một trang web để đưa hàng hóa lên giới thiệu thì sẽ thu hút được nhiều khách du lịch hơn. "Chưa kể cả chợ ai cũng xài điện thoại thông minh, có laptop... nên việc cập nhật rất dễ dàng" - chị Thanh nói.
Theo ông Trần Anh Tuấn - giám đốc điều hành Công ty tư vấn Pathfinder, bán hàng online cần được xem là một kênh tiếp cận người tiêu dùng bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống.
Từ trước đến nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều xem trang web của mình như một địa chỉ để giới thiệu thông tin, quảng bá hình ảnh chứ ít ai nghĩ đến việc bán hàng trên đó. Thế nhưng với xu hướng phát triển mạnh mua hàng qua mạng hiện nay, các doanh nghiệp cũng bắt đầu tính toán lại, chấp nhận phá vỡ phương thức kinh doanh tồn tại lâu đời để tham gia vào thị trường thương mại điện tử.
"Cá nhanh nuốt cá chậm"
Ông Trần Anh Tuấn cho biết nhiều khách hàng lâu năm, gắn bó với siêu thị nào đó, nhưng với tốc độ mở siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhanh như hiện nay, khách sẽ ưu tiên siêu thị gần nhà hơn. "Tại sao người tiêu dùng phải trở lại siêu thị cũ nếu nhà bán lẻ đó không có cách chăm sóc họ, chỉ đơn giản như giới thiệu thông tin hôm nay có hàng gì mới, đang khuyến mãi ra sao...? Nếu có một website bán hàng, người tiêu dùng chắc chắn được chăm sóc kỹ hơn. Rất nhiều người bạn tôi, rất nhiều bà nội trợ đã mua thịt cá từ những trang bán hàng cá nhân" - ông Tuấn nói.
Lợi ích lớn nhất của phương thức này là giúp nhà kinh doanh kết nối với người tiêu dùng chặt chẽ, hiểu rõ tâm lý khách hàng, điều mà kênh bán hàng truyền thống chưa làm được.
Rất nhiều hoạt động mua bán hiện nay đang được giao dịch qua mạng như mua vé máy bay, đặt chỗ khách sạn... nhưng để mua hàng trực tuyến các sản phẩm thiết yếu như cá, thịt, nước chấm... thì chưa nhiều.
Ông Võ Hoàng Anh, giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết so với các mặt hàng thời trang và điện máy, bán hàng tiêu dùng online sẽ khó khăn hơn vì tâm lý của khách hàng. Tuy nhiên xu hướng con cá, bịch bột giặt... lên mạng bên cạnh kênh truyền thống là tất yếu và cũng nằm trong kế hoạch của Saigon Co.op.
Đẩy mạnh bán lẻ online từ sớm nhưng đại diện Saigon Co.op cho biết vẫn đang tiếp tục dự án hoàn thiện hơn. Không phải bán tất cả các mặt hàng mà tập trung vào khoảng bảy nhóm hàng chính như thực phẩm, hàng gia dụng, nội thất, may mặc...
Theo các nhà bán lẻ, có rất nhiều khách hàng lâu năm, thân thiết với hệ thống siêu thị nào đó, họ có niềm tin vào chất lượng hàng hóa và muốn ngồi ở nhà vẫn có thể chọn mua con cá, chai nước mắm thay vì phải chen lấn tại các siêu thị. Nhu cầu đa dạng của số khách hàng này buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức bán hàng.
Từ trước đến nay, bán hàng online thường tập trung vào nhóm điện máy, công nghệ vốn có một chuẩn mực về chất lượng, hoặc nhóm hàng "độc lạ". Riêng với nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu chưa nhiều, dù những nghiên cứu thị trường gần đây cho thấy đây là xu hướng sẽ phát triển mạnh.
Ông Vaughan Ryan, CEO Nielsen VN, cho rằng trong một môi trường trực tuyến đang thay đổi hàng giờ, hàng phút thì quan điểm "cá lớn nuốt cá bé" đã dần được thay bằng "cá nhanh nuốt cá chậm". Do đó, doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng người tiêu dùng và nhu cầu của thị trường để đáp ứng được những nhu cầu đó.
Lưu ý bán hàng online
Theo các chuyên gia, thách thức của nhiều doanh nghiệp VN khi kinh doanh online là chưa nhận thức đầy đủ vai trò của online trong hoạt động marketing. Thứ hai là chưa hiểu rõ công việc marketing online, doanh nghiệp cần nghiên cứu nên thực hiện từng bước như thế nào ngoài công việc xây dựng một website. Thách thức kế tiếp là làm sao có đội ngũ nhân viên hiểu về marketing online. Hơn nữa, tất cả doanh nghiệp cần xem xét chiến lược marketing online chung, học hỏi kiến thức mới về ứng dụng.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng điều quan trọng khi tạo ra những công cụ bán hàng trên mạng là làm sao tối ưu hóa, thu hút được nhiều người truy cập trên website của mình, chuyển đổi họ thành khách hàng tiềm năng và cuối cùng biến họ thành khách hàng.