Trong một gia đình có hai anh em, chúng ta rất dễ thấy một người thường nổi trội hơn so với người còn lại. Samsung Galaxy S6 là một đứa trẻ kém may mắn hơn S6 Edge khi nó không được trang bị màn hình cong hai bên như người em, không được nhắc tới nhiều như người em. Thế nhưng Galaxy S6 không phải là tệ, nó lại một sản phẩm rất tuyệt vời trong thế giới điện thoại Android, về sức mạnh, về camera, về những thay đổi mà Samsung đã thực hiện, nhưng chắc chắn không phải là về pin.
Lưu ý: để tránh bài dài một cách không cần thiết, một số chi tiết mình sẽ không nhắc đến mà các bạn có thể tham khảo bài đánh giá Galaxy S6 Edge tại đây.
Thiết kế: Galaxy S6 là một thay đổi mang tính cách mạng của Samsung, ai cũng nói điều đó và họ lặp đi lặp lại nhiều lần. Quả thật, S6 mang rất nhiều thay đổi về mặt thiết kế nhưng mặt tư tưởng thì họ vẫn chưa thật sự cải tiến nhiều so với các thế hệ trước. Galaxy S6 trở nên dễ nhìn hơn, đơn giản và hiện đại hơn nhưng nếu nhìn thật kỹ, bạn sẽ thấy Samsung chưa bao giờ mưu cầu sự hoàn hảo trên chiếc điện thoại này, điều bắt buộc phải có khi mà bản thân Samsung đã định giá S6 cao hơn S5 ở Việt Nam cũng như bán giá cao hơn các đối thủ iPhone 6 và HTC One M9 ở rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Bảng giá S6 và S6 Edge ở Việt Nam và thế giới, tham khảo GSMArena, riêng iPhone 6 Plus được tính tỷ giá theo Google ngày 3/5/2015. Trong bảng này thì có 2 phần: phần iPhone 6, S6 và M9 một bên, màu đỏ là giá cao nhất. S6 Edge và iPhone 6 Plus một bên, màu xanh giá cao hơn
Samsung Galaxy S6 là một chiếc điện thoại có thiết kế đẹp và dễ nhìn. Nó không phải là một cái gì đó quá đặc biệt như S6 Edge, nhưng là cái dễ chấp nhận và dễ dùng nhất trong 2 máy. Nếu như sự độc đáo của S6 Edge mang lại hệ quả là hơi cấn tay và rất khó dùng khi nằm thì S6 lại truyền thống hơn, chúng ta có thể sử dụng khá dễ dàng.
Người ta nói S6 giống iPhone 6, nhưng có rất nhiều sự khác biệt giữa 2 chiếc máy này. Galaxy S6 được thiết kế khung dựng đứng, không cong và sử dụng những đường cắt diamond cut ở khu vực tiếp giáp giữa viền màn hình và khung máy. Trong khi đó, iPhone 6 lại đặt khung máy hơi cong, bóp thẳng vào phần dưới mép màn hình tạo cảm giác liền lạc hơn. Với hai cách thiết kế khác nhau như vậy, bạn có thể thấy Galaxy S6 tận dụng không gian tốt hơn, làm cho chiếc máy nhỏ hơn một chút so với kích cỡ màn hình. Bù lại, khi tay chạm vào mép tiếp xúc nó sẽ có cảm giác hơi gợn nhẹ. Samsung đã cố gắng khắc phục điều này bằng cách vuốt mép màn hình cong nhẹ xuống, hơi cao hơn khung nhôm một chút nhưng nhiều vị trí vẫn không thật sự đều và vẫn cảm nhận được sự tách biệt giữa bộ khung và màn hình. Tất nhiên, đã lên tới phân khúc cao cấp thì chỉ một khác biệt nhỏ cũng làm nên chuyện, nếu bạn cảm thấy sự tách biệt này không phải là vấn đề thì S6 vẫn là một chiếc điện thoại rất tuyệt vời.
Như đã nói, S6 trông cứng cáp hơn hẳn vẻ nhẹ nhàng thường thấy trên các điện thoại Samsung. Điều này một phần lớn là nhờ công của hai đường phay nhôm chạy dọc hai bên cạnh trái và phải. 2 đường thẳng này khá độc đáo, nó tạo điểm tựa cho tay chúng ta khi cầm, hoàn toàn không bị trơn tuột như các điện thoại có kiểu thiết kế cong khác. Samsung cũng đủ tinh ý để dừng các đường phay này tại khu vực gần mép mà không kéo dài xuống dưới, nơi mép tay chúng ta tiếp xúc với các cạnh.
Đã tinh ý nhưng Samsung lại thực hiện chưa tới, đặc biệt dễ thấy ở cách mà họ đặt các nút bấm hay kết nối. Để ý kỹ, bạn sẽ thấy các vị trí nút bấm không nằm ngay tâm của cạnh bên, nó lệch hẳn xuống dưới hoặc cao thấp khác nhau, nhìn khá lộn xộn và khó chịu. Bản thân một chiếc điện thoại cao cấp khác là HTC One M9 cũng mắc lỗi này, nhưng Samsung có quá nhiều chi tiết và làm S6 trông còn rối hơn nữa. Để ý kỹ, 2 chiếc điện thoại đầu bảng của Apple và Nokia (930) hoàn toàn không gặp tình trạng này, tất cả các cổng kết nối, các nút bấm đều được đặt ngay tâm của đường kẻ cạnh bên, rất đều và không hề gây cảm giác lộn xộn.
Nếu bạn vẫn chưa hiểu, hãy lấy iPhone 6 làm ví dụ. Nhìn vào cạnh dưới, từ trái sáng phải: jack tai nghe, lỗ mic, 2 lỗ vít, cổng Lightning, 6 lỗ loa, tất cả đều nằm trên một đường thẳng đồng tâm. Quay sang Galaxy S6, cùng từ trái sang phải: jack tai nghe đồng tâm với đường thẳng đáy máy, cổng microUSB tụt xuống dưới, microphone tụt xuống dưới, 10 lỗ loa hơi lệch lên trên, rất lộn xộn.
Tại sao chúng ta phải nói đến những điều này ở đây, đơn giản vì Galaxy S6 và S6 Edge đang là những chiếc điện thoại đầu bảng có giá thuộc loại cao nhất xét trên phạm vi toàn cầu. Và ở mức cao cấp như vậy thì người dùng có quyền đòi hỏi một cái gì đó chăm chút hơn, tuyệt vời hơn.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, Galaxy S6 là một nỗ lực rất lớn của Samsung trong việc thay đổi chính mình. Việc tái sắp xếp các thành phần bên trong để tạo ra một bề ngoài hoàn hảo hơn cần rất thiết công sức và có lẽ nó quá khó để Samsung có thể thực hiện trong những lần đầu tiên này. Nếu như so với S5 thì rõ ràng S6 đã hoàn hảo và tuyệt vời hơn rất nhiều lần, nó cũng xứng đáng hơn nhiều với số tiền hơn 16 triệu đồng mà chúng ta phải bỏ ra để mua máy.
Điểm cuối cùng cần nhắc đến ở đây là loại nhôm mà Samsung sử dụng. Công ty Hàn Quốc cho biết họ dùng hợp kim nhôm (nhôm, ma-nhê, silic) có mã số 6013 để chế tạo Galaxy S6. Thông tin cho biết 6013 cứng hơn 1.5 lần và khó bị trầy gấp 1.2 lần so với nhôm 6003 mà người ta tin rằng Apple sử dụng trên iPhone 6.
Màn hình: Samsung Galaxy S6 là chiếc điện thoại thứ 2 của Samsung sau Note 4/Note 4 Edge sử dụng tấm nền 2K, và tất nhiên, công nghệ chủ đạo vẫn là AMOLED. Có nhiều tranh cãi về việc sử dụng tấm nền 2K trên điện thoại là phí phạm, gây tốn pin (LG G3 so với LG G2 là ví dụ dễ thấy nhất) nhưng cá nhân mình thì vẫn ủng hộ độ phân giải này, đặc biệt là đối với màn hình kiểu Samsung. Đào sâu hơn một chút, Galaxy S6 vẫn tiếp tục sử dụng cách sắp xếp điểm ảnh theo kiểu Pentile thay vì RGB như bình thường, và họ sử dụng Pentile Diamond RGBG.
Tại sao màn hình 2K lại tốt hơn đối với AMOLED Pentile và nó không quá “dư thừa” như LCD mà các nhà sản xuất khác đang sử dụng? Đó là vì nếu bạn nhìn vào từng điểm ảnh con (subpixel), bản chất của Pentile Diamond sẽ có 1.8 triệu điểm ảnh con đỏ, 1.8 triệu điểm ảnh con xanh dương và 3.7 triệu điểm ảnh con xanh lá. Tổng cộng lại, bạn sẽ có khoảng 7.3 triệu điểm ảnh con. Với màn hình RGB LCD 2560x1440 thường thấy, độ phân giải này sẽ có tổng cộng khoảng gần 12 triệu điểm ảnh con với khoảng 3.7 triệu điểm ảnh con cho mỗi màu sắc.
Quay trở lại Galaxy S5, tổng số điểm ảnh con của nó là khoảng 4 triệu, thấp hơn so với 6 triệu của LCD FullHD RGB và tất nhiên là thua gần một nửa so với AMOLED Pentile Diamond 7.3 triệu điểm ảnh 2560x1440 mà S6 sử dụng. Đây chính là lý do mà nhiều người cho rằng màn hình S5 không sắc nét bằng các màn hình đối thủ dù độ phân giải là như nhau.
Bỏ qua các thông số kỹ thuật, quan trọng nhất là màn hình S6 có tốt không. Câu trả lời là tùy thuộc vào bạn, chứ không phải tùy vào máy. Mình thích cái kết luận của bạn
@TDNC trong bài
đánh giá S6 Edge, dù không thật sự đồng ý với việc nói rằng độ no màu (saturation) cao là đặc điểm của AMOLED. Cá nhân mình thi thường để màn hình Adaptive cho vui mắt nhưng khi nào cần chỉnh sửa ảnh thì chuyển về Photo hay Basic cho màu chính xác hơn. Và xin nói rõ, là dù màu sắc không quá sai lệch, có thể nói là chính xác nhưng độ tương phản của các màn hình này là rất cao, kể cả ở chế độ basic. Tức là nếu bạn thấy màu sắc đã đầy đủ, hài hòa rồi trên màn hình S6 nhưng vẫn muốn đẹp hơn trên các thiết bị khác thì nên kéo thêm một chút contrast khi chỉnh sửa ảnh.
Có một nhược điểm mà không rõ có phải là nhược điểm không: màn hình S6 nặng màu vàng hơn kể cả ở chế độ basic và photo. Ưu điểm là gì? nhìn trong tối đỡ mỏi mắt hơn, khi đi xem phim đỡ làm phiền người khác khi nghe điện thoại (bạn vẫn nên ra ngoài chứ không nên nghe trong rạp) nhưng nhược điểm là màu ấm so với những ai thích màu tươi trẻ một chút. Bản chất khi hậu Việt Nam là khí hậu nhiệt đới, ánh sáng thẳng, đã có nhiều màu vàng rồi nên mình thích một cái gì lạnh hơn, không rõ các bạn thì sao?
Các đặc điểm khác của màn hình này thì bạn có thể tham khảo thêm trong bài đánh giá S6 Edge, mình sẽ không nhắc lại nhiều nữa. Chỉ nói thêm về chế độ hiển thị khi ra ngoài trời nắng mà thôi.
Ở thiết lập mặc định thì Galaxy S6/S6 Edge có độ sáng chỉ ở mức trung bình khá, và kể cả khi chỉnh tay, kéo độ sáng lên cao nhất thì nó cũng không bao giờ đạt được độ sáng tối đa của màn hình. Có lẽ thiết lập này nhằm bảo đảm cho tuổi thọ của màn hình. Khi ra trời nắng, nếu bạn để auto thì nó sẽ đẩy màn hình lên mức sáng nhất, mức mà một số thông tin cho biết có thể đạt tới 700nit, cao hơn kha nhiều so với hầu hết các màn hình LCD cao cấp trên thị trường.Điều này đảm bảo cho màn hình S6 sẽ có thể đọc được khi ra nắng, một cải tiến đáng hoan nghênh.
Nhìn chung, màn hình Galaxy S6 là một màn hình tốt, mình đánh giá nó cao về cả góc nhìn và độ phân giải. Tuy nhiên, ước gì Samsung giảm độ tương phản xuống thấp một chút ở các chế độ Basic hoặc Photo, nhiều lúc nhìn trên màn hình điện thoại thấy thật sự đã, sau khi up lên Facebook hay đem về máy tính lại thấy vẫn còn thiếu.
Sức mạnh: Samsung sử dụng con chip Exynos 7420, con chip được chế tạo trên tiến trình 14nm và là con chip di động đầu tiên trên thế giới được chế tạo như vậy. Thực chất thì 7420 không phải được chế tạo hoàn toàn trên tiến trình 14nm (các đường dẫn interconnect vẫn là 20nm) nhưng nó vẫn tốt hơn so với tiến trình 20nm thông thường, về cả hiệu năng và mức tiêu thụ năng lượng (giả dụ cùng kiến trúc).
Thử nghiệm thực tế cho thấy Exynos 7420 là một trong những con chip mạnh mẽ nhất hiện nay. Ngoài việc sử dụng CPU mạnh thì GPU, chip nhớ và RAM của S6 cũng thật sự là những cải tiến vượt trội so với các phiên bản cũ và mang tính đột phá trên thị trường, đặc biệt là bộ nhớ trong cùng RAM LPDDR4. Các bạn có thể
tìm hiểu chi tiết cấu hình cũng như sức mạnh của Galaxy S6 tại đây. Nếu muốn số thì
xem lại bài đánh giá Samsung Galaxy S6 Edge tại đây. Camera:
Camera Galaxy S6 sử dụng cảm biến Sony 16MP, ống kính f1.9 và có tính năng theo dõi nét khá chính xác. Đây là tính năng mà mình thích nhất trên S6 bên cạnh việc kích hoạt camera nhanh bằng cách bấm nút Home 2 lần liên tiếp. Nếu bạn hỏi tính năng nào làm mình thích nhất trên S6 thì nó là việc nhấn nút Home 2 lần này, nó thể hiện rõ là Samsung đã nghĩ nhiều hơn cho người dùng thay cho việc la cà phát triển các chức năng vô thưởng vô phạt như trước kia.
Về chất lượng hình ảnh, Galaxy S6 cho ảnh khá tuyệt, nó có độ bão hòa màu tốt, tương phản tốt và chi tiết cũng tuyệt. Điểm yếu dễ thấy nhất là đôi khi ảnh bị xuất hiện nhiễu hay hơi giả tạo, có dấu hiệu của việc can thiệp quá nhiều. Trong hầu hết các trường hợp thì việc can thiệp này khó nhận ra nhưng khi ánh sáng khó hay chêch lệch sáng lớn thì S6 bị lỗ rõ nhược điểm. Thực chất nhược điểm này xuất hiện nhiều hơn trên Note 3, sau đó giảm xuống một chút ở Note 4 và S6 đỡ hơn hai đàn anh.
Một số hình ảnh chụp từ camera S6, 2 tấm đầu là không chỉnh sửa, các tấm sau có chỉnh sửa trực tiếp trên máy. Hình đã được resize bằng Photoshop với chất lượng cao nhất, các bạn muốn
xem hình gốc có thể bấm vào đây.
Bộ ảnh chụp nhanh camera Galaxy S6 Edge So sánh nhanh ảnh chụp iPhone 6 Plus, HTC One M9 và Galaxy S6 Edge Pin: Galaxy S6 sử dụng viên pin 2550mAh, thấp hơn so với 2600mAh của S6 Edge và 2800mAh của S5. Thực tế sử dụng cho thấy mình có thể dùng nó đến khoảng 3 giờ chiều (onscreen khoảng 3 tiếng hơn) nếu xài nhiều và tối nếu dùng trung bình. Thực chất thì mình dùng máy nhiều hơn người bình thường nên nó cũng tạm đủ để sử dụng.
S6 và S6 Edge.
Samsung công bố Galaxy S6 sử dụng công nghệ sạc nhanh cho phép dùng 4 tiếng chỉ sau 10 phút sạc. Thực tế cho thấy công nghệ sạc này không phải là cái gì xa lạ với chúng ta, nó chính là QuickCharge 2.0 của Qualcomm. Tuy không dùng chip xử lý của Qualcomm nhưng Qualcomm cho phép các công ty khác dùng công nghệ của họ với điều kiện sử dụng mạch quản lý năng lượng do Qualcomm sản xuất. Thực chất thì Adaptive Fast Charging của Samsung, Motorola Turbo Charging hay HTC Rapid Charging cũng đều là Qualcomm QuickCharge 2.0 mà thôi.
Thử nghiệm với cục sạc QuickCharge 2.0 từ một nhà sản xuất thứ 3 trên Amazon và cục sạc QuickCharge 2.0 của Motorola Droid Turbo, cục sạc QuickCharge 2.0 của HTC mình đều sạc với tốc độ ngang ngửa sạc zin S6. Trên thực tế cục sạc zin của S6 cũng giống hệt như cục sạc tốc độ cao của Note 4, cùng là điện ra 9V 1.67A hoặc 5V 2A nên bạn có thể dùng lẫn lộn với nhau và không cần quá lo ngại khi mất sạc zin.
Các bạn có thể xem lại bài
thử nghiệm sạc nhanh Galaxy S6 tại đây, trong đó máy sạc 10% trong 6 phút và chưa tới 1.5 tiếng để sạc đầy pin.
Để có kết luận chính xác hơn về thời lượng sử dụng pin thì chúng ta phải chờ bài thử nghiệm pin chi tiết.
Galaxy S6 Edge và Galaxy S6 3.5 triệu đồng là một số tiền không hề nhỏ chút nào, nó làm cho chúng ta phải phân vân rất nhiều khi lựa chọn giữa Galaxy S6 và Galaxy S6 Edge. Thực chất thì lúc đầu mình cũng nghĩ là xài Galaxy S6 đi cho rẻ, nhưng sau khi dùng thử S6 Edge khoảng một tuần thôi (máy test 5 ngày, máy thương mại 2 ngày), cầm lại S6 thấy nó “rẻ tiền” hơn hẳn.
Nếu chỉ dùng Galaxy S6, bạn sẽ thấy nó tốt, tuyệt, dễ cầm, dễ nắm nhưng nếu từ S6 Edge quay lại,nó trở nên thật sự tầm thường, không có nhiều sự khác biệt so với các sản phẩm khác trên thị trường. Trong khi đó, S6 Edge lại sang chảnh hơn hẳn, nó độc, nó lạ, nó khác biệt dù hơi cấn và gần như không thể sử dụng bằng một tay khi nằm. Hơn thế nữa, các tính năng màn hình cong của S6 Edge cũng mang tính vô thưởng vô phạt, chủ yếu là thiết kế và sự khác biệt mà thôi.
Tất nhiên, đây chỉ là những cảm nhận cá nhân. Nếu bạn cần cái gì đó độc đáo, vui vẻ thì S6 Edge xứng đáng để bỏ thêm tiền cho nó. Dù vậy, có vẻ như khoảng chênh lệch 3.5 triệu đồng giữa S6 và S6 Edge là quá cao so với rất nhiều người trong chúng ta, có thể đó là cách mà Samsung làm thương hiệu cũng như tạo sự khác biệt giữa 2 máy.
Kết luận: Samsung Galaxy S6 là một sự lột xác về thiết kế của Samsung. Đứng ở góc độ em yêu khoa học, những cải tiến trong RAM và bộ nhớ trong của S6 thật sự đáng ngưỡng mộ đối với những ai thích phần cứng của điện thoại nói chung. Phần mềm của máy cũng được giản bớt khá nhiều những thành phần phức tạp để phù hợp với nhiều người hơn. Có thể nói trong số những điện thoại Android đang được thương mại hóa và bán đại trà trên thị trường thì S6/S6 Edge là những lựa chọn rất tuyệt và dễ chấp nhận nhất hiện nay. Chưa biết LG G4 sẽ ra sao khi bán ở Việt Nam nhưng với mình, S6 đang là chiếc điện thoại Android đáng mua nhất ở phân khúc cao cấp tính đến thời điểm này.
Cấu hình Galaxy S6
- Hệ điều hành: Android 5.0
- Chip xử lý: Exynos 7420, 64-bit, 14 nm, tám nhân (4 nhân 2.1 GHz + 4 nhân 1.5 GHz)
- GPU: Mali-T760MP8
- Màn hình: 5,1” Super AMOLED, độ phân giải 2K (1440 x 2560), 577 ppi
- Kính cường lực: Gorilla Glass 4 ở mặt trước và mặt sau
- Nút Home có cảm biến vân tay
- RAM: 3 GB LPDDR4
- Bộ nhớ trong: 32 GB (UFS 2.0)
- Thẻ nhớ: không có
- Camera sau: 16 MP, AF, LED Flash, F1.9, quay phim 4K@30fps
- Camera trước: 5 MP, F1.9
- Kết nối: NFC (có thanh toán không cần chạm), Wi-Fi a/b/g/n/ac, BT 4.1 có aptX, cổng hồng ngoại, GPS, GLONASS, Beidou, 3.5mm
- Băng tần: 4G Cat 6, 3G
- Pin: 2.550 mAh
- Sạc không dây
Ưu điểm:
- Thiết kế đổi mới hoàn toàn
- Nhôm cứng
- Camera tốt
- AF tracking hoạt động hiệu quả
- Sạc không dây nhiều tiêu chuẩn
- Tốc độ nhanh, bộ nhớ và RAM tiên tiến nhất hiện tại
Nhược điểm:
- Chưa chăm chút phần cứng
- Pin