Fonepad Note 6 là một chiếc phablet Android có cấu hình cao và hiệu năng khá tốt. ASUS đã tập trung khá nhiều sức mạnh vào máy này với chip Intel Atom hai nhân 2GHz, màn hình 6" Full-HD và thậm chí còn trang bị luôn cả bút cảm ứng được lực nhấn và phần mềm ghi chú nhiều chức năng. Sau khi đánh giá và xem xét về cấu hình và chức năng, mình thấy Fonepad Note 6 xứng đáng là một đối thủ đáng gờm với Galaxy Note II vì cả hai đều đang có cùng mức giá bán là 9,9 triệu đồng.
Bài đánh giá được thực hiện trên một chiếc Fonepad Note 6 chính thức và chạy Android 4.2.2 (mới nhất lúc này là Android 4.4).
Để viết tắt Fonepad Note 6 cho gọn cũng như tránh sự hiểu lầm với dòng máy Galaxy Note của Samsung, mình sẽ ghi là Fonepad 6 trong bài viết này.
Cấu hình chi tiết ASUS Fonepad Note 6:
- Hệ điều hành: Android 4.2.2
- CPU: Intel Atom Z2580, hai nhân 2GHz
- GPU: PowerVR SGX544MP2
- RAM: 2GB
- Màn hình: Super IPS+ LCD, 6" độ phân giải Full-HD, ~367 ppi
- Bộ nhớ trong: 16/32GB
- Thẻ nhớ: microSD
- Camera sau: 8MP, AutoFocus, không có đèn Flash, quay phim Full-HD@30fps
- Camer trước: 1.2MP, quay phim 720p
- Kết nối: 3G, Wi-Fi n, BT 3.0, NFC, microUSB, A-GPS, GLONASS
- Kích thước: 164,8 x 88,8 x 10,3 mm
- Nặng: 210 gram
- Pin: 3200mAh
HIỆU NĂNG Fonepad 6 dùng chip Intel Atom Z2580, điều này không mới nhưng lại hiếm vì đa số các máy Android khác đều chạy trên chip của Qualcomm. Atom Z2580 có hai nhân xử lý bên trong, mỗi nhân có xung nhịp 2GHz, tích hợp chip đồ họa PowerVR SGX544MP2 và 2GB RAM.
Mặc dù màn hình của máy lên tới 6", độ phân giải đạt mức Full-HD nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ để làm khó con chip Z2580 này. Máy chạy khá nhanh và mượt trong hầu hết các tác vụ cơ bản như mở ứng dụng, lướt web nặng, chụp hình, chuyển ứng dụng, chạy đa nhiệm… mọi thứ đều được xử lý khá nhanh. Thử vào xem các bài viết có nhiều hình và video như
camera.tinhte.vn,
Flickr,
Dailymail... thì thấy Fonepad 6 vẫn còn chạy khá khỏe.
Máy lướt web nhanh, khi mở một số trang full-size (không phải web dành cho di động), máy vẫn có tốc độ mở trang và lướt web tốt. Dùng ngón tay zoom ra zoom vào trên website đó thì mặc dù vẫn có hiện tượng giật (do trang web có bố cục rắc rối làm máy render không kịp) nhưng xét chung về tốc độ thao tác thì máy không hề chậm chạp chút nào.
Tốc độ xử lý trong camera cũng nhanh, kể cả trong môi trường ánh sáng yếu. Thông thường khi chĩa camera vào những nơi tối ví dụ như gầm bàn hay góc phòng thì hầu hết các máy tầm trung và phổ thông đều sẽ có hiện tượng giật rất nhiều do máy xử lý ánh sáng và bắt nét không kịp, làm máy chậm đi và người cầm máy là chúng ta cũng cảm thấy bực bội. Trong khi đó với Fonepad 6 thì điều này hoàn toàn không có. Máy xử lý các khung hình và bắt nét rất nhanh mặc dù mình đang ở trong phòng tối, tắt đèn và chỉ có một chút ánh nắng le lói hắt xuyên qua từ tấm rèm cửa sổ. Khi lia camera máy cũng không bị giật, khi chạm để lấy nét thì máy cũng bắt rất nhanh nhưng ngặt nỗi tốc độ chụp hơi chậm. Sau khi bấm nút chụp, máy mất khoảng 2 giây để lưu một tấm ảnh.
Chuyển sang chơi game và thử trò Asphalt 8. Trò này thuộc dạng đua xe, sử dụng đồ họa 3D với rất nhiều các hiệu ứng âm thanh và kỹ xảo đồ họa, đủ nặng để thử sức với bất kỳ chiếc smartphone trung cấp lẫn cao cấp nào. Sau khi chơi được khoảng 10 phút, mình quyết định không chơi nữa vì một điều dễ hiểu là chơi game không mượt. Số khung hình/giây trung bình ở mọi thời điểm đều dưới mức chuẩn 30fps nên các cảnh chuyển động còn hơi cứng và hay bị khựng. Mặc dù tình trạng khựng và tuột khung hình diễn ra không nhiều đến nỗi không chơi được nhưng tình trạng này xảy ra xuyên suốt quá trình chơi nên cảm giác đua xe cũng không được thoải mái cho lắm. Còn các game 2D thông thường, các game chiến thuật, thủ tháp, chạy bản đồ… thì bình thường, không có gì là nặng nhọc cả.
Dưới đây là kết quả benchmark của Fonepad 6 cùng với một số máy khác mà mình đã benchmark gần đây. Kết quả của chip Intel Atom Z2580 không tạo ra nhiều khác biệt so với các máy trung cấp khác như Nexus 5, HTC One mini, Moto X hay Find 5 mini. Mặc dù điểm số của máy có phần nhỉnh hơn một chút so với các máy đó nhưng nếu đem so với những máy cao cấp hơn như LG G2, Optimus Vu 3 hay Xperia Z1 thì vẫn còn đó một khoảng cách khá dài.
THIẾT KẾ
Dày và thô, đó là hai từ mà bạn sẽ nghĩ tới khi cầm Fonepad 6. Mặc dù có thể du di vì màn hình của máy lên tới 6" nhưng bên cạnh đó ASUS đã vướng phải một số điểm chưa tốt về mặt thiết kế làm cho mình cảm thấy hơi bị dội ngày từ lần đầu cầm máy lên.
Viền màn hình khá dày làm cho ta có cảm giác chiếc máy hơi cục mịch. Nhìn kỹ từ bốn cạnh bạn sẽ thấy thân máy được ghép lại từ hai phần: phần vỏ bên dưới và phần khung viền ở bên trên. Hai phần này kết nối không đồng nhất với nhau, trong khi phần vỏ bên dưới hơi nhô ra và bo cong xuống mặt dưới thì phần khung phía trên lại được cắt vát xiên hướng thẳng vào bên trong màn hình. Kết quả làm cho khi nhìn từ mặt trước, bạn sẽ thấy rõ ràng là có đến hai cái viền hợp lại với nhau. Phần khung viền thậm chí còn mở rộng ra to hơn ở hai phía trên và dưới màn hình.
Ngoài ra, hai loa ngoài nằm ở mặt trước (trên và dưới màn hình) cũng góp phần làm cho chiếc máy trở nên xấu đi. Chúng là hai mảnh giống như kim loại được khoét xuống mặt kính, tạo ra thêm hai đường rãnh màu đen với chất lượng hoàn thiện không mấy cao (chưa khít).
Mặt sau của máy được làm bằng nhựa, mịn, nhìn có cảm giác nhám, không bóng và quan trọng là không bám dấu tay lẫn mồ hôi tay. Cảm giác áp tay vào mặt lưng khá thích vì nó tạo cảm giác mềm mại rất dễ chịu.
Về cảm giác sử dụng thì mình vẫn coi Fonepad 6 là một chiếc điện thoại bởi vì vẫn nhét túi quần được và cầm nghe gọi OK, mặc dù khi đút túi quần thì máy cộm ra rất nhiều.
Nhìn chung, cái nhìn đầu tiên của người dùng đối với một chiếc máy là rất quan trọng bởi vì nó ảnh hưởng đến quyết định có chọn mua máy hay không. Trong khi kết hợp những yếu tố nói trên lại, bao gồm viền to, khung thô, loa ngoài xấu, Fonepad 6 lại dễ gây ra ấn tượng không mấy đẹp cho người dùng. Đó cũng chính là lý do tại sao mình không đưa phần đánh giá về thiết kế lên đầu bài như mọi khi.
tinhte.vn