• Smallrig phụ kiện cage, l plate, rig, tools
  • Smallrig phu kien ho tro quay gan gimbal rs3 rs2 rsc2.jpg
  • Balo túi đeo PGYTECH 3L 4L 6L 10L 11L 22L 25L 35L
  • Tilta Phụ kiện các loại giá tốt nhất

Con gà trống và khoa học phong thủy

Chỉ còn vài giờ nữa là chúng ta bước sang năm con Gà. Gà là một trong 12 con giáp và cũng nằm trong lục súc - 6 loài vật nuôi ở nhà: ngựa, bò, dê, gà, chó, lợn. Trong mâm lễ cúng giao thừa ở Việt Nam, không thể thiếu con gà trống. Theo tín ngưỡng, gà trống là biểu tượng của sự cao quý, còn theo phong thủy, gà trống có vai trò quan trọng, vì có "khí lực".

1. Con gà, nhất là gà trống, hiện diện trong nhiều nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Gà - vật nuôi được thuần hóa vào loại lâu đời nhất, gắn bó nhất với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo. Gà là một loài vật linh thiêng gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng, thờ cúng với tư cách là lễ vật.

Trong phong thủy, biểu tượng gà trống được sử dụng khá phổ biến, vì có "khí lực"nên có thể  giải trừ các "thế sát" cho ngôi nhà hoặc giải trừ cho người "đào hoa sát". Hẳn là nhiều người còn nhớ chuyện Hiếu và Đức - hai người bạn đồng môn học giỏi đi thi Trạng Nguyên: Hiếu chọn ngôi nhà trọ học rất giản dị, có dãy cau như quê nhà. Còn Đức chọn căn nhà đẹp bên cạnh hồ nước. Cả hai, sớm khuya ôn thi. Gần nhà trọ của họ là dinh thự của viên quan Thượng thư, nhà quan có cô gái tuổi trăng tròn, tính nết lẳng lơ. Thấy có hai anh học trò khôi ngô, cô tìm cách ve vãn. Cô lén tặng Hiếu những bó hoa hồng thật đẹp. Vốn chỉ để tâm đến đèn sách, Hiếu thờ ơ, quẳng những bó hoa kia xuống hồ nước cạnh nhà. Thấy bạn được tiểu thư nhà quan "lẳng quả tình", Đức cũng chạnh lòng. Anh tiếc những bông hồng đẹp nên vớt lên mang về phòng trọ cắm. Động thái của Đức khiến tiểu thư kia thay đổi ý tình.

Một hôm, cô nhờ người hầu mang cho Đức một bình cắm hoa cổ. Đức bâng khuâng nghĩ ngợi rồi đặt chiếc bình lên bàn học. Suốt ngày hôm đó, anh không thể nào tập trung ôn bài được. Quả nhiên cơ hội đã đến! Đêm đó, tiểu thư xuất hiện và cả hai đã chìm sâu vào những cuộc ái ân...

Kỳ thi năm đó, Hiếu đậu, Đức trượt. Quá đau đớn, anh đã ốm nặng và qua đời. Cái chết của Đức khiến cho thầy của hai học trò cưng rất đau buồn. Sau này ông được một nhà phong thủy giải nghĩa: Đức học giỏi hơn Hiếu nhưng khi lên kinh thành, cậu ta bị nạn "đào hoa sát". Hiếu có tâm trong sáng hơn, dù học kém bạn nhưng lại thoát khỏi "bẫy ái tình" nên đỗ đạt, thành danh hơn.

Còn khi ta nói "đào hoa sát" hay "đào hoa vị" là vị chủ nhà vô ý đặt bình hoa không có nước, gọi là bình "rỗng" vào đúng huyệt đào hoa. Điều này khiến cho người trong nhà tăng thêm vận đào hoa và sẽ xảy ra ngoại tình trong hôn nhân (ngoại tình của vợ hoặc chồng)

Trong qúa trình tồn tại và ứng dụng phong thủy phương Đông còn có nhiều khái niệm chưa được làm rõ, lại phải trải qua những không gian văn hóa khác nhau nên những ứng dụng của phong thủy đã bị pha tạp và tùy theo nhận thức của con người nên nhuốm màu huyền bí. Chẳng hạn như bùa chú - một hiện tượng của văn hóa cổ, hoặc cúng bái có tính tín ngưỡng qua những nghi lễ động thổ, nhập trạch, cũng tham gia vào sự ứng dụng của phong thủy. Người ta coi đó như là sự bổ sung vào ứng dụng của phong thủy. Nhưng thực ra phong thủy là một khoa học.

2. Tôi may mắn được dự cuộc Hội thảo khoa học về phong thủy tổ chức tại Khách sạn La Thành, Hà Nội, cuối năm 2009 với sự tham gia của hàng trăm đại biểu. Những nhà nghiên cứu đã minh định bản chất khoa học của phong thủy trên các tiêu chí khoa học. Đó là: Tính hệ thống, trong đó bao gồm cả lịch sử khoa phong thủy Đông phương; Tính nhất quán và hợp lý được thể hiện trong hệ thống cấu trúc phong thủy; Tính tiên tri, tức tính quy luật của nó, bởi vì không có tính quy luật thì không có khả năng tiên tri; Tính khách quan, thể hiện qua khả năng phản ánh thực tại và sự giải thích hiện tượng.

Các nhà nghiên cứu khẳng định: Phong thủy là một bộ môn khoa học siêu hình có phương pháp rõ ràng dựa trên nguyên lý Âm dương, Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) và việc sử dụng phương hướng để tác động lên các "khí" trong tự nhiên. Phong thủy là việc sử dụng không gian và thế đất bằng cách tận dụng những gì tự nhiên và những gì sẵn có trong môi trường của con người, tận dụng những nguồn năng lượng đang tồn tại trong môi trường tự nhiên. Phong thủy còn chú trọng đến nhân tố thời gian, con người, phương hướng, và địa điểm của đất, nhà, hay tài sản của người sử dụng và Hội thảo đã đưa ra những ví dụ cụ thể. Ví như Nhà Trắng của Mỹ, vị trí tọa lạc, kết hợp hình thể đẹp, tỉ lệ hài hòa cùng bố cục đủ cả 4 yếu tố trong phong thủy (Thanh long, Bạch hổ, Huyền vũ và Chu tước) nên đã giúp Nhà Trắng trở thành một tòa nhà có vị thế đáng nể trên thế giới. Hay tòa nhà chính phủ Singapore, nếu dùng bản đồ vệ tinh để quan sát tòa nhà thấy nó được thiết kế theo dạng hình chữ T (chữ Đinh) - hình ảnh con triện và con dấu - một chỉnh thể hoàn thiện, biểu hiện sự vững bền trên chính trường.

Còn Dinh Độc Lập của Việt Nam, tuy cũng được thiết kế hình tượng con triện và con dấu, nhưng lại phạm vào hình tượng "lộ cốt" trong phong thủy, khiến người đứng đầu sử dụng công trình không tồn tại lâu dài.

Năm 1957, cũng là năm Dậu, cách nay 60 năm, bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng, ông nội tôi thường kể truyện xưa, tôi vẫn nhớ ông nói về ông Tả Ao, người có tài nhìn thấu đất, đã cắm cây kim đúng lỗ 99/100 đồng xu lấp dưới đất. Sau này lớn lên tôi mới biết Tả Ao là nhà phong thủy tài ba của nước mình, ông đã đi xem vị trí đặt đền thờ cho nhiều làng khắp cả nước và nhiều làng xuất hiện nhân kiệt. Tôi kể lại câu chuyên đó và đặt câu hỏi với ông Phạm Toàn, nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Nhà Việt. Ông có tài phong thủy, đã từng đi xem thế đất cho nhiều công trình xây dựng quốc gia và tư gia. Ông nói: "Nhiều công trình quan trọng của nước ta, khi xây dựng đều có tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu phong thủy để tìm ra vị thế đắc địa, đảm bảo sự hài hòa đất, nước, thiên nhiên và con người". Thì ra thế giới hiện đại, khoa học công nghệ phát triển, nhất là công nghệ thông tin, chúng ta có thể sử dụng nhiều công cụ để tìm kiếm địa điểm như Google Earth hoặc Google Map, hoặc la bàn điện tử, nhưng không thay thế được các nhà phong thủy và khoa học công nghệ lại trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho phong thủy phát triển mạnh hơn.

Theo Phó giáo sư tiến sĩ Trần Văn Liên, Đại học Xây dựng Hà Nội: "Trong phong thủy thường nói tới "khí", đó là bao gồm tất cả các khí trong vũ trụ, "khí" chính là lực khởi nguồn của vạn vật và mọi hiện tượng."Khí" được biểu hiện dưới dạng các nguồn năng lượng, nó là tinh túy, là linh hồn của vạn vật. "Khí" còn là một dạng năng lượng hợp nhất, bao trùm, lan tỏa và là phần cốt yếu của thiên, địa và nhân, vừa mang tính vật chất, vừa mang tính siêu hình".

Ông Liên đưa ra một ví dụ về "Địa khí", đó chính là nguyên lý thừa hưởng khí lành của trời đất. Địa khí gồm núi, sông, sa mạc, thung lũng, đồng bằng, tất cả đều có luồng địa khí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, khí chất và khả năng hòa hợp của con người. Ông nói: "Từ trường trái đất cũng là một thành phần của địa khí. "Khí" tạo ra hình thế, hình thế lại dẫn khí chảy theo. Nghĩa là địa hình được hình thành do khí tự nhiên, khí tự nhiên lại theo địa hình đó mà lưu chuyển. Do đó, xem "khí" thường gắn với xem "địa hình" để tìm vùng đất tốt. "Khí" cũng có thể đo lường được. Người Trung Hoa xưa đã có dụng cụ để đo lường khí phong thủy, đó là hệ thống Lịch ( âm dương), La bàn (La kinh), và kỹ năng quan sát. Ngày nay chúng ta có công thức tính theo phương pháp phi tinh - phương pháp tính quỹ đạo khí".

Còn theo ông Vũ Thế Long, nguyên cán bộ Viện Khảo cổ, "nhân khí" là khí của con người được đánh dấu từ lúc chào đời, thời điểm chúng ta thở hơi thở đầu tiên. Cũng như dấu vân tay, khí của con người chỉ có một và duy nhất. Nhân khí được sinh ra từ trong cơ thể từ những nguồn năng lượng được liên kết với nhau. Quan sát khí sắc của một người có thể nhận biết được hiện trạng của người đó hiện tại và dự đoán khí vận của họ trong tương lai gần. Những nhà lãnh đạo, các vị tướng lĩnh thường phát ra khí tức rất mạnh gọi là "khí vương giả". Ai đứng gần họ thường bị "áp chế". Những nhà tu hành chân chính thường phát ra khí tức tự nhiên và người ta cảm thấy "dễ gần". Những người mạnh khỏe thường có khí sắc hồng hào, mặt mày sáng sủa".

3. Như đã dẫn, "khí" chính là năng lượng được sinh ra do tương tác giữa con người với đồ vật và môi trường xung quanh. Theo quan niệm ngũ hành, gà (Dậu ở hướng Tây) là con vật thuộc hành Kim, phù hợp khi bài trí hình tượng gà trống ở hướng Tây của căn phòng. Ngoài ra, người ta có thể bài trí gà trống tại văn phòng hay phòng khách ở hướng Nam để thu hút may mắn cho gia chủ trong cuộc sống và công việc. Nên nhớ dùng hình tượng gà trống bằng đồng hoặc bằng sứ, không dùng bằng chất liệu cao su hay nhựa, vì nó không, hoặc rất ít sinh năng lượng - tức "khí" - nên vô tác dụng. Theo quan niệm dân gian, gà trống gáy vào buổi sáng tỏ sự vui mừng chào đón ngày mới và hàm nghĩa nó thoát khỏi những linh hồn xấu bằng cách thông báo sự xuất hiện của mặt trời. Con gà trống, với tư thế vương giả của nó cũng được cho là rất tốt cho các nhà lãnh đạo.

Ngày nay, nhiều người công nhận phong thủy là một môn khoa học ứng dụng hơn là một môn khoa học đơn thuần. Thiết nghĩ, mỗi người nên có kiến thức phong thủy, vì nó có thể cung cấp cho người ứng dụng một công cụ mà qua đó có thể giúp họ cải thiện được chất lượng cuộc sống như sức khỏe, sự giàu có, và cả mối quan hệ xã hội.

                                                 
Share facebookShare facebook

Tin Cùng Chuyên Mục

Trang 1 / 1

Bạn đã đọc tin này chưa ?

Go Top
Chat hỗ trợ
Chat ngay