• Smallrig phụ kiện cage, l plate, rig, tools
  • Smallrig phu kien ho tro quay gan gimbal rs3 rs2 rsc2.jpg
  • Balo túi đeo PGYTECH 3L 4L 6L 10L 11L 22L 25L 35L
  • Tilta Phụ kiện các loại giá tốt nhất

CEO Hirai và nỗ lực khơi dậy tinh thần “dám nghĩ dám làm” trong Sony

“Sony phải tự làm mới mình để mang đến những trải nghiệm mới mẻ đầy hứng khởi cho các khách hàng trên toàn thế giới” – CEO Hirai (ảnh: crowdfundinsider)


Trong khi chúng ta còn đang ngất ngây với “cơn mưa” sản phẩm của Sony vào sáng hôm thứ tư vừa qua (theo giờ VN), thì ông Hirai cùng ban lãnh đạo Sony vẫn chưa thể ngồi yên ăn mừng ngay được. CES 2016 là sự kiện công nghệ thường niên có quy mô lớn đầu tiên trong năm nay, sắp tới sẽ là MWC và IFA, tại hai sân khấu quan trọng không kém đó, những con người lèo lái này sẽ phải tiếp tục gây ấn tượng với báo chí, giới công nghệ cũng như các khách hàng bằng loạt sản phẩm mới của mình. Cũng như tập đoàn vẫn còn một chặng đường dài trong năm 2016 tới đây để cải thiện tình hình kinh doanh vừa mới có dấu hiệu hồi phục đầu tiên. Và riêng ông Hirai – người chịu trách nhiệm cho cuộc cải tổ đang bắt đầu tỏ ra hiệu quả, tất nhiên cũng có những nỗi trăn trở ở cương vị là CEO dẫn dắt tập đoàn chuẩn bị đối đầu với năm 2016. Những toan tính, những quyết định, và những nỗ lực. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn cụ thể hơn về những thay đổi ngay từ bên trong Sony, mà chính ông Hirai là người đã thúc đẩy.

“Sony phải tự làm mới mình để mang đến những trải nghiệm mới mẻ đầy hứng khởi cho các khách hàng trên toàn thế giới” – ông Kazuo Hirai, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Sony. Và loạt sản phẩm tại sự kiện CES 2016 chính là các kết quả đầu tiên cho tư duy đó. Hay có thể đi xa hơn, cả IFA 2015 cách đây không lâu nữa chăng?

Trọng tâm đặt vào cảm biến hình ảnh.

Ngay khi có cơ hội thâu tóm bộ phận sản xuất cảm biến hình ảnh của Toshiba, Sony đã hạ quyết tâm phải thành công trong phi vụ một cách rất nhanh chóng.

sony mua lại toshiba'sensor

Sony đã mua lại bộ phận sản xuất cảm biến của Toshiba hồi cuối năm ngoái

Các cuộc đàm phán đã diễn ra một cách suôn sẻ và chỉ mất hơn một tháng để đi đến kí kết chính thức vào ngày 4 tháng 12 năm ngoái. Với số tiền 19 tỉ Yên (tương đương 158 triệu USD), Sony đã có thêm lực lượng nhân công hơn 1000 người và nhà máy sản xuất của Toshiba đặt tại miền Nam. Sự thành công của phi vụ giúp hãng tăng cường thêm khả năng sản xuất cảm biến hình ảnh của mình, sử dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp smartphone và nhiều thiết bị khác. Tránh tình trạng năm ngoái vì cung không đủ cầu, Sony đã phải cắt giảm bớt các đơn hàng đến từ phía Trung Quốc, và cũng để củng cố vị thế là nhà sản xuất cảm biến hàng đầu thế giới trước các đối thủ Samsung, OmmiVision.

Tuy nhiên, thực ra để đi đến quyết định đó, ban lãnh đạo Sony cũng phải thảo luận hết sức thận trọng và nghiêm túc. Một số lo sợ rằng thị trường thiết bị di động bao gồm cả smartphone và tablet đều đang suy yếu đà tăng trưởng, và không nên hành động quá vội vàng như này. CFO Kenichiro Yoshida và người đứng đầu bộ phận cảm biến Tomoyuki Suzuki cũng như các quản lí khác đã thảo luận qua lại nhiều lần mà vẫn chưa xử lí rốt ráo được vấn đề.

Cuối cùng, với cương vị là người đứng đầu, ông Hirai đã đưa ra quyết định cuối cùng chấm dứt tranh luận, mà như chúng ta đã thấy, kết quả là Sony đã mua lại với giá 158 triệu USD. Ông cho rằng, Sony cần thiết phải tăng cường “vũ trang” để theo kịp với các kế hoạch phát triển lâu dài dành cho bộ phận cảm biến đầy tiềm năng. So với bộ phận di động, cảm biến hình ảnh đang được coi trọng hơn bất chấp việc Sony là một tập đoàn điện tử gia dụng chứ không phải bán dẫn. Tầm nhìn của ngài Hirai là hướng tới IoT – viễn cạnh tương lai, nơi mà mọi thứ quanh ta kết nối, thu thập, xử lí, làm việc,… cùng nhau – và cảm biến sẽ là một phần quan trọng để nó thành hiện thực.

Sony vốn được biết đến là một tập đoàn điện tử đa quốc gia, nhưng mảng bán dẫn của hãng lại càng ngày càng trở nên quan trọng, thậm chí, được xem là một “con bài chiến lược” trong các kế hoạch tương lai của người dẫn dắt, CEO Hirai.

*Ngay cả ở sự kiện CES 2016 vừa rồi, ông cũng đã khẳng định điều này với báo giới Nhật Bản. Đại ý rằng: mặc dù bộ phận di động vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tương lai của Sony. Tuy nhiên thị trường không chỉ đang chững lại mà còn ngày càng cạnh tranh hơn, do vậy, cảm biến vẫn sẽ đc ưu tiên xem xét là mũi nhọn của tập đoàn. Và hơn nữa, không chỉ là chiếc điện thoại di động, chúng ta cần phải nhìn xa hơn, đến một tương lai IoT… (phần còn lại có lẽ các bạn cũng đã đoán được).

*Xem thêm: Sony hoàn tất thương vụ mua lại mảng cảm biến của Toshiba. 

Khó khăn liên tục đeo bám.

Nhậm chức vào năm 2012, thời điểm mà Sony đang ngập chìm trong thua lỗ, tân CEO Hirai lúc đó được các cổ đông và nhà đầu tư giao cho trọng trách to lớn vực dậy “gã khổng lồ” tưởng như sắp gục ngã, cũng như giới chuyên gia đánh giá đây sẽ là giai đoạn thử thách với cả ông lẫn tập đoàn. Vàng thử lửa!

Trước đó, các vị CEO cũ cũng có hứa sẽ khôi phục lại các bộ phận kinh doanh điện tử vốn là trụ cột lâu nay. Tuy nhiên, mảng di động vẫn chỉ đang tồn tại giữa sức ép đến từ Apple và các hãng Trung Quốc giá rẻ đang lên. Một sự ngạt thở đầy rủi ro! Và nhìn sang mảng TV truyền thống, tình hình cũng chẳng khả quan hơn là mấy (mãi đến quý tài chính gần đây, kết quả của bộ phận TV mới phục hồi nhẹ).

Sony Corp President and CEO Hirai takes off his glasses during a news conference at the company's headquarters in Tokyo

Trong quá khứ, ông từng gặp rất nhiều khó khăn với kế hoạch cải tổ của mình

Một điều tồi tệ khác đó chính là thái độ miễn cưỡng đầy vẻ khó chịu của công ty khi bước vào giai đoạn cải tổ sâu rộng cực kì cần thiết. Hãy nhìn sang hàng xóm của Sony mà xem, Panasonic và Hitachi đã không lãng phí thời gian quý báu mà tập trung tiến hành các hoạt động cải tổ, bây giờ thì cả hai đều đang bắt đầu hồi phục và sẽ sớm thoát khỏi khủng hoảng nếu tình hình thuận lợi. Trong khi Sony thì phải chịu khoản lỗ kỉ lục lên đến 5,7 tỉ USD năm tài chính 2011 “đen tối” (tiềm lực lớn mạnh đến nỗi… mặc sức thua lỗ – !?).

Và ông Hirai đã thay đổi tất cả những điều đó. Hẳn các bạn còn nhớ nỗi đau khi chúng ta nghe tin Sony rút lui khỏi thị trường kinh doanh máy tính cá nhân. Bán lại thương hiệu Vaio danh tiếng một thời cho Quỹ đầu tư Nhật Bản Japan Industrial Partners (JIP) và chỉ giữ khoảng 5% cổ phần nhỏ bé ở công ty mới. Sau đó là tách mảng kinh doanh TV ra thành một công ty con trực thuộc tập đoàn. Quyết định cắt giảm nhân sự từ 10 ngàn người lên 17 ngàn (tính đến năm 2015, con số có lẽ đã tăng lên 20 ngàn hoặc hơn nữa). Và còn nhiều hoạt động tái cơ cấu khác nữa diễn ra trên toàn thế giới mà chúng ta có thể không biết rõ. Hiện tại, công ty kì vọng đạt lợi nhuận ròng 140 tỉ Yên (khoảng 1,1 tỉ USD) trong năm tài chính 2015 tới. Sau suốt thời gian dài u ám lỗ và lỗ, đã có chút ánh sáng cuối đường hầm cho Sony?

Dưới sự dẫn dắt của ông Hirai, Sony cần phải cho thấy khả năng “tái tạo” và phục hồi của mình sau giai đoạn dài tệ hại.

*Cho những ai chưa biết, quyết định sa thải nhân viên trên phạm vi toàn cầu của ông Hirai đã bị chỉ trích gay gắt bởi các cựu quản lí trong công ty. Họ cho rằng nó đẩy mạnh thêm tình trạng “chảy máu chất xám” trong Sony và “thất thoát công nghệ Nhật Bản” bởi trước đó, cũng đã có hàng ngàn kĩ sư bị mất việc. Những đối thủ hưởng lợi bằng việc chiêu mộ lực lượng bị sa thải không ai xa lạ mà chính là các đối thủ của Sony, ví dụ như Samsung và LG trên thị trường điện tử tiêu dùng khốc liệt.

*Chỉ tính riêng bộ phận TV, đã phải ghi nhận khoản lỗ gần 8 tỉ USD trong khoảng một thập kỉ - theo một bài viết trên Bloomberg vào năm 2013 (bạn có tin nổi không?). Tham khảo ở nguồn cuối bài viết.

Nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận, nhằm đat mức tăng trưởng dương.

Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi điện tử gia dụng (bao gồm cả doanh nghiệp), giải trí cũng được xem là trụ cột khác của Sony, mà chính ông Hirai cũng công nhận điều này. Âm nhạc và Phim ảnh vẫn luôn phải đạt được những mục tiêu tăng trưởng mới trong tương lai, và trước mắt là cho đến năm tài khóa 2017.

Giải trí luôn là động lực thúc đẩy cả tập đoàn tiến về phía trước.

Sony-Strategy_2-640x359

Chiến lược đẩy mạnh lĩnh vực giải trí song song các bộ phận điện tử làm ăn có lãi của Sony

Về phía lĩnh vực điện tử trọng yếu, ông Hirai cũng cố gắng đưa ra các quyết sách cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, giá cả trên thị trường ngày một biến động và có xu hướng giảm dần, trong khi “không gian” thì trở nên “ngột ngạt” với sự xuất hiện dày đặc các đối thủ cạnh tranh. Để có được các khoản thu nhập giá trị, giới đầu tư vẫn đang dõi theo nhất cử nhất động sắp tới của ông Hirai.

Cái đích ngắn hạn mà ông cùng ban lãnh đạo đang nhắm tới, đó là khoản lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 10% và lãi hoạt động 500 tỉ yên (chừng 4 tỉ USD) vào năm tài chính 2017. Một trong những cách để đạt được nó, là chia tách các bộ phận thành công ty con và để họ tự chịu trách nhiệm về nghĩa vụ mang lại lợi nhuận cho tập đoàn.

*Cho đến nay, ngoài TV thì cả mảng sản xuất cảm biến, nghe nhìn, cũng đã được tách ra thành công ty riêng, trực thuộc tập đoàn mẹ.

Vực dậy tư duy “dám nghĩ dám làm” ngay từ trong bộ máy.

Dưới thời ông Hirai, các quản lí được trao quyền tự quyết định cho từng bộ phận nhiều hơn, trong khi vẫn phải đảm bảo sự cân bằng cần thiết và cùng nỗ lực theo đuổi mục tiêu chung. Ông không muốn tập trung quyền lực một cách thái quá, và nhấn mạnh không chỉ xem xét các “ý kiến” (opinions) mà còn là cả những “quan điểm khác biệt” (differing views) – trong tiếng Nhật, chúng là hai từ đồng âm.

Hồi tháng 10, ông có nói với các giám đốc điều hành rằng: “Hãy sẵn sàng để liều lĩnh khi giao phó công việc cho cấp dưới của các ngài.”

hirai 8

Ông Hirai trong một văn phòng chia sẻ những ý tưởng sáng tạo có tên “Creative Lounge” ở Tokyo (ảnh: JEREMIE SOUTEYRAT, WSJ)

Ông đã dành thời gian tham quan các văn phòng, nhà máy và phòng thí nghiệm của Sony ở 16 quốc gia trên thế giới từ ngày tiếp quản công ty từ chủ tịch tiền nhiệm Howard Stringer. Chương trình Seed Acceleration Program kêu gọi các nhân viên trong công ty chia sẻ các ý tưởng, giúp nhau hiện thực hóa và kêu gọi góp vốn từ cộng đồng, kích thích sự sáng tạo. Nền tảng gây quỹ First Flight cũng đã được giới thiệu với công chúng. Và rồi đến những sản phẩm công nghệ của đội ngũ kĩ sư non trẻ được ông khuyến khích ra đời như đồng hồ WENA (ông Hirai đặc biệt thích nó), FES Watch, MESH, AROMASTIC, HUIS REMOTE CONTROLLER. Mà ở tương lai, sẽ còn tiếp tục có thêm những dự án, thiết bị mới.

“Thời điểm để những con người trẻ tuổi “dám nghĩ dám làm” đã đến, hãy giúp họ trỗi dậy!” – ông nói.

Tất cả đều chỉ ra rằng, CEO Hirai đang rất cố gắng để khơi gợi lại một điều đã bị mai một ở Sony: tinh thần bấp chấp rủi ro của kẻ đi tiên phong.

*Ngày 8-1, trang web Sony Global đã bất ngờ đăng tải một thông báo tuyển dụng nhân viên mới trên phạm vị toàn cầu, trải dài từ Trụ sở điều hành cho đến các bộ phận Giải trí gia đình, Di động, Âm nhạc, Phim ảnh, Trò chơi, Dịch vụ mạng. Sau một loạt những thông tin sa thải, cuối cùng Sony cũng đã bắn tín hiệu cho chúng ta cũng như toàn bộ các nhân viên về một thời kì mới, năng động hơn, đột phá hơn. Truyền cảm hứng cho sự tò mò của bạn và hiện thực hóa những ý tưởng mới!

Share facebookShare facebook

Tin Cùng Chuyên Mục

Trang 1 / 1

Bạn đã đọc tin này chưa ?

Go Top
Chat hỗ trợ
Chat ngay