• Smallrig phụ kiện cage, l plate, rig, tools
  • Smallrig phu kien ho tro quay gan gimbal rs3 rs2 rsc2.jpg
  • Balo túi đeo PGYTECH 3L 4L 6L 10L 11L 22L 25L 35L
  • Tilta Phụ kiện các loại giá tốt nhất

Cận cảnh dây chuyền sản xuất TV Samsung tại TP.HC

Tổ hợp nhà máy Samsung Electronics Ho Chi Minh Complex (viết tắt là SEHC) được khởi công từ giữa năm 2015 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016 với tổng số vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD, trực thuộc khuôn viên Khu công nghệ cao, ở Quận 9, TP.HCM.

Trung tâm điều hành của khu nhà máy SEHC tại TP.HCM

Theo số liệu mà đại diện Samsung công bố, tổ hợp nhà máy SEHC có tổng diện tích 939 km vuông, với chi phí xây dựng 654 triệu USD và chi phí thiết bị 335 triệu USD, hiện vẫn đang được tiếp tục mở rộng và nâng cấp. Trong đó, chi phí thuê mặt bằng hết khoảng 19 USD cho mỗi mét vuông đất với thời gian 5 năm.

Dưới đây là một vài thông tin mà Samsung chia sẻ với phóng viên VnReview.vn và báo giới trong buổi tham quan nhà máy SEHC sáng nay (25/4) tại TP.HCM. Đáng tiếc là vì lý do bảo mật sản phẩm trong khâu sản xuất nên Samsung không cho phóng viên chụp hình/quay phim trong nhà máy, do vậy chúng tôi chỉ có thể sử dụng hình ảnh do Samsung cung cấp (khá hạn chế) để minh họa cho nội dung bài viết.

Một phòng họp trong SEHC

Tại SEHC, ngoài các phòng ban chức năng và khu điều hành thì trọng tâm vẫn là khu sản xuất – nơi trực tiếp sản xuất các sản phẩm nghe nhìn và điện tử gia dụng của Samsung. Theo đó, khu sản xuất được Samsung chia ra các khu chức năng riêng gồm Khu vực sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCM), Khu vực lắp ráp thành phẩm và Khu vực kiểm tra chất lượng. Trong đó, khu LCM được tách ra và bố trí riêng trên tầng 2 của nhà máy, còn khu lắp ráp và kiểm tra chất lượng được bố trí ở tầng một của SEHC.

Khu vực sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCM)

Do đặc thù nên đây là khu vực được Samsung thiết lập môi trường sạch tối đa nhằm kháng bụi kháng ẩm, tránh các ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh của TV. Khu vực này được chia thành hai khu vực sản xuất dựa theo kích thước màn hình, với kích cỡ màn hình dưới 49 inch sẽ được giao cho 1 nhân công làm việc tương ứng mỗi sản phẩm, còn các màn hình có kích cỡ trên 49 inch sẽ do hai nhân viên đảm nhiệm/1 sản phẩm trên dây chuyền lắp ráp.  

Các lớp phụ trợ được lắp vào khung TV để chuẩn bị dán tấm nền màn hình lên

Các linh kiện của các khâu sản xuất được đựng trong các thùng, có đánh mã riêng để công nhân và robot tiện lắp ráp theo dây chuyền

Giai đoạn này có thêm một vài nhân viên của các nhà cung ứng (vendor) tham gia giám sát/hỗ trợ

Sau khâu lắp ráp tấm nền tự động bằng robot, màn hình sẽ được dán keo và chuyển qua khâu kiểm tra chất lượng

Tại đây, các linh kiện đầu vào từ các nhà cung ứng (vendor) sẽ được xử lý qua buồng vệ sinh và hút bụi trước khi phân loại và chuyển tới các khâu sản xuất. Sau đó được các công nhân kết hợp với các robot lắp ráp thành các tấm màn hình và tấm quang học giúp tạo nên hình ảnh, màu sắc của TV.

Tại đây, các màn hình cong và phẳng ban đầu đều ở dạng phẳng nhưng được phân loại theo mã và chia ra từng lô, sau đó được chuyển tới các dây chuyền sản xuất riêng và các tấm nền cong lúc này mới được robot nén cong ép vào khung sản phẩm có sẵn với các lớp phụ trợ được ráp trước đó.

Sau khi sản xuất xong màn hình sẽ được chuyển qua bộ phận kiểm tra hai bước trước khi chuyển xuống khâu lắp ráp thành phẩm.

Sau đó các tấm màn hình và tấm quang học này sẽ được kiểm tra một lần nữa qua hai nhóm độc lập trước khi chuyển qua khâu lắp ráp ở tầng dưới thông qua thang máy tự hành (một dạng băng chuyền vận chuyển sản phẩm từ tầng trên xuống tầng dưới).

Khu vực lắp ráp thành phẩm

Đây là nơi lắp ráp, đóng gói và cho ra thành phẩm cuối cùng. Khu vực này được Samsung chia nhỏ ra thành hai khu vực sản xuất dựa theo kích thước màn hình tương tự khu vực LCM. Tại đây, các công nhân sẽ tiến hành lắp ráp bo mạch (mainboard), dán số series/IMEI để định danh cho sản phẩm và cũng nhằm xác định sản phẩm thuộc lô nào, ngày nào và khu nào khi xảy ra lỗi. Bo mạch của TV được sản xuất và lắp ráp gần như hoàn toàn tự động trong dây chuyền riêng tại SEHC.

Các công nhân phối hợp với robot để gắn bo mạch chủ vào màn hình TV trong dây chuyền lắp ráp thành phẩm .

Sau khi được cố định bo mạch và các thành phần điện tử khác, TV sẽ được lắp nắp lưng và cố định bằng ốc vít.

Sau khi thành phẩm được lắp ráp sẽ chuyển qua khâu kiểm tra ngoại quan và chất lượng (gồm 2 nhóm độc lập) trước khi chuyển qua khu vực đóng gói.

Tại khâu kiểm tra ngoại quan các nhân viên sẽ dùng máy kiểm tra ốc vít và các góc cạnh của sản phẩm rồi chuyển qua khâu kiểm tra chất lượng. Nếu phát hiện ra sản phẩm lỗi thì nó sẽ được cách ly và phân loại riêng rồi chuyển qua bộ phận kỹ thuật để sửa chữa rồi đưa vào lại dây chuyền (nếu đáp ứng chất lượng) hoặc bị loại bỏ (nếu không đáp ứng được chất lượng).

Khâu kiểm tra chất lượng buộc sản phẩm phải trải qua 4 bước mới được chuyển qua đóng gói.

Ở khâu kiểm tra chất lượng, các sản phẩm màn hình sẽ qua 4 bước kiểm tra ngặt  nghèo và tự động. Lúc này màn hình sản phẩm được kích hoạt qua chế độ đặc thù của nhà sản xuất để kiểm tra về màu sắc, tính năng và các yếu tố kỹ thuật khác. Sau khi qua 4 bước kiểm tra chất lượng ở chế độ Test, màn hình của sản phẩm sẽ được bật qua màu xanh (blue) của chế độ người dùng cuối rồi chuyển qua giai đoạn đóng gói.

Cuối cùng, sản phẩm được chuyển qua khâu đóng gói, tại đây các sản phẩm màn hình sẽ được đóng gói cùng các phụ kiện như giá đỡ, điều khiển từ xa, dây cáp, dây nguồn,… 

Cuối cùng sản phẩm sẽ được chuyển qua khâu đóng gói cùng các phụ kiện đi kèm. Đáng chú ý, theo Samsung thì robot phân phối thùng carton này được chế tạo tại Việt Nam dựa trên thiết kế của các kỹ sư ở nhà máy Samsung Việt Nam cũ ở Thủ Đức, TP.HCM.

Các sản phẩm được sau khi đóng gói sẽ được chuyển qua khu vực lấy mẫu để kiểm tra lần cuối trước khi tung ra thị trường. 

Các nhân  viên kỹ thuật sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một vài sản phẩm trong lô sản phẩm đã đóng gói để khui hộp, sau đó test hết các chức năng một lần cuối nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra và đánh giá tỷ lệ lỗi của sản phẩm.

Sau khi đóng gói, thành phẩm sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên để kiểm tra lần cuối trước khi được chuyển vào container để phân phối trên thị trường. Lúc này, Samsung sử dụng 2-3 chuyên viên kỹ thuật trực tiếp trải nghiệm tất cả các tính năng của TV (kể cả kết nối với điện thoại, Internet, âm thanh…) nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm khi tung ra thị trường.

Khu vực kiểm tra chất lượng

Đây cũng là khu vực thú vị nhất mà phóng viên VnReview.vn có dịp mục kích trong chuyến tham quan nhà máy SEHC của Samsung. Khu vực này chịu trách nhiệm kiểm tra sản phẩm trong những môi trường, điều kiện khác nhau, đảm bảo độ bền và tính năng của sản phẩm.

Các sản phẩm đang thử nghiệm khả năng rơi vỡ khi bốc dỡ hàng

Tại đây, có các khu vực riêng biệt để "hành hạ" các sản phẩm nghe nhìn và các thiết bị điện tử gia dụng của hãng. Cụ thể, Samsung sử dụng các bước kiểm tra ngoại quan, chi tiết và độ tin cậy rung lắc, rơi tự do ở các độ cao khác nhau, thay đổi môi trường, nhiệt độ cao.

Trong đó, có phòng mô phỏng nhiệt độ nóng (được để ở mức 42 độ C), độ lạnh (-10 độ C), mô phỏng nhiệt độ phức tạp (dao động từ âm 10 độ C đến 45 độ C trong môi trường), phòng thử nghiệm độ rung khi vận chuyển và phòng đặc biệt (nhiệt độ, độ ẩm, sự rung lắc, tác động của hơi nước/nước muối…) nhằm đảm bảo sản phẩm phù hợp khi xuất khẩu sang các nước khác.

Ngoài ra, sản phẩm còn được thử nghiệm các yêu cầu tương thích điện từ (EMC) và tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng (Energy), mức xả tĩnh điện (ESD), rò rỉ điện thế cao (Hi-pot)và Chứng nhận Thân Thiện Môi Trường (RoHS).

Hơn 1 triệu sản phẩm mỗi tháng, doanh thu 3 tỷ USD

Hiện SEHC có gần 7.000 lao động, trong đó có 28 chuyên viên/kỹ sư đến từ Hàn Quốc và một số từ các nước khác, còn lại chủ yếu là đến từ Việt Nam. Để phục vụ nhân công, SEHC có hai nhà ăn, 2580 chỗ ngồi, phục vụ 10000 bữa ăn mỗi ngày. Ngoài ra còn có phòng tập thể dục, sân bóng đá... cho các lao động tại đây giải lao. 

Để đảm bảo an ninh, an toàn và các chế độ an sinh cho công nhân viên cũng như cho nhà máy, Samsung đã trang bị cho SEHC 2 xe chữa cháy, 2 xe cấp cứu. Trong đó có các bác sỹ thường trực, có khu dành riêng cho lao động nữ nghỉ ngơi và phụ nữ có thai.

Theo số liệu do Samsung cung cấp, trong năm qua nhà máy SEHC đã tạo ra hơn 13 triệu sản phẩm và mang lại doanh thu hơn 3 tỷ USD. SEHC ở TP.HCM chủ yếu sản xuất màn hình, TV, tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi...

Dòng TV QLED 2017 vừa ra mắt chính là một trong số các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy SEHC của Samsung ở TP.HCM

Các linh phụ kiện mà SEHC nhập vào để sản xuất được 116 nhà cung ứng (vendor) cung cấp, các nhà cung ứng này đều ở TP.HCM hoặc các khu vực lân cận phía Nam.Tuy nhiên , trong đó chỉ có hai nhà cung ứng lớn của Việt Nam là công ty Ngân Hà và công ty Minh Nguyên (do UBND TP.HCM chỉ định), còn lại hầu hết là các công ty cung ứng đến từ liên doanh nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam.

Theo Samsung, năng suất trung bình của nhà máy SEHC đạt mức 1,1 triệu sản phẩm/tháng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, riêng các sản phẩm nghe nhìn đã xuất khẩu sang hơn 30 thị trường khác, trong đó có Mỹ và nhiều nước thuộc châu Âu, châu Á, châu Phi và Trung Đông, còn các sản phẩm điện gia dụng được xuất khẩu qua hơn 40 nước. Riêng sản lượng sản xuấtsản phẩm LED của SEHC chiếm 19% trong tổng số các nhà máy Samsung trên toàn cầu.

Share facebookShare facebook

Tin Cùng Chuyên Mục

Trang 1 / 1

Bạn đã đọc tin này chưa ?

Go Top
Chat hỗ trợ
Chat ngay