Ý tưởng thẻ nhớ microSD hữu dụng bao nhiêu thì những chiếc thẻ "rởm" lại gây khó chịu bấy nhiêu: chúng khiến bạn mất dữ liệu quý giá và chúng khiến cho những đồng tiền tiết kiệm của bạn trở nên vô nghĩa. Điều đáng lo ngại là người tiêu dùng thông thường khó có thể phân biệt được giữa thẻ "xịn" và thẻ "rởm": gần như tất cả các nhãn hiệu thẻ nhớ lớn như Samsung, Kingston và SanDisk đều bị làm nhái, và đôi khi công nghệ làm nhái của Trung Quốc hoàn thiện tới mức thẻ "nhái" trông không khác mấy so với thẻ gốc.
Thế nhưng, bạn cũng không cần phải quá lo lắng về hiện tượng này. Những nguyên tắc dưới đây do PhoneArena đưa ra sẽ giúp bạn phát hiện ra những chiếc thẻ microSD nhái kém chất lượng.
Tác hại của thẻ nhớ microSD "rởm"
Điều khó chịu đầu tiên do thẻ nhớ microSD nhái mang tới là dung lượng bị làm giả. Ví dụ, một chiếc thẻ nhớ Trung Quốc chỉ có 8GB sẽ được ghi chú "64GB" trên thẻ hoặc trên bao bì. Đáng lo ngại hơn, smartphone hoặc laptop của bạn có thể nhận diện chiếc thẻ nhái này thành 64GB – hiện tượng hack firmware thẻ nhớ giờ đây đã trở nên khá phổ biến. Khi "cố gắng" viết dữ liệu vào các vùng trống vốn… không hề tồn tại, chiếc smartphone của bạn sẽ gặp lỗi hoặc tệ hơn là ghi đè lên dữ liệu cũ. Bất kể hậu quả là gì, bạn cũng sẽ bị mất dữ liệu.
Tiếp đó, thẻ microSD rởm cũng có tốc độ đọc/ghi rất chậm. Hiện tượng này sẽ khiến cho smartphone của bạn bị giảm đáng kể hiệu năng và thậm chí là ngừng hoạt động.
Cách phát hiện thẻ nhớ microSD nhái
Với kinh nghiệm hàng chục năm sản xuất hàng nhái, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể tạo ra những sản phẩm kém chất lượng có bề ngoài rất giống với hàng thật. Tuy vậy, hàng nhái sẽ không bao giờ đạt được mức độ hoàn thiện như hàng thật. Nếu phát hiện ra các logo in không chính xác hoặc các dòng chữ có nét nguệch ngoạc trên bao bì/thân thẻ nhớ, bạn có thể chắc chắn rằng chiếc thẻ mà bạn đang định mua là thẻ rởm. Hoặc, nếu như mức giá mà người bán đưa ra là quá hấp dẫn, bạn chắc chắn là đang sắp bị lừa.
Hãy cùng điểm qua một vài ví dụ điển hình.
Trong bức hình phía trên, bạn có thể thấy nhãn hiệu trên thẻ rởm (bên phải) được in rất nguệch ngoạc, không rõ nét. Đây là dấu hiệu đầu tiên của thẻ rởm.
Một ví dụ khác cho thấy thẻ rởm (bên phải) có chất lượng hoàn thiện kém hơn nhiều so với thẻ chính hãng. Thậm chí, nhà sản xuất thẻ nhái còn không in màu trắng lên phần xung quanh thẻ.
Phát hiện thẻ nhái từ bao bì: chiếc thẻ nhái không ghi rõ dung lượng và loại thẻ trên bao bì.
Trong khi dấu hiệu nhái khi nhìn từ bao bì là không rõ ràng thì những chiếc thẻ này lại hé lộ điểm yếu ở mức dung lượng 256GB. Khi ghé thăm trang chủ của Samsung, bạn sẽ nhận ra rằng hãng điện tử Hàn Quốc chỉ sản xuất thẻ nhớ tối đa là 128GB. Mức giá 18 USD (khoảng 400.000 đồng) mà người bán trên eBay đưa ra cho chiếc thẻ nhớ "rởm" này thậm chí còn thấp hơn cả mức giá 23 USD của thẻ 32GB chính hãng Samsung.
Nguyên tắc khi mua thẻ nhớ
Nguyên tắc số 1 để tránh mua phải thẻ nhớ "rởm" là lựa chọn mua tại các cửa hàng lớn, có uy tín. Khả năng bạn mua phải thẻ microSD nhái khi đến các khu vực bán hàng Trung Quốc hoặc từ eBay hay AliExpress là gần như 100%.
Ngay cả Samsung và Kingston cũng chưa thể tạo ra thẻ microSD 512GB.
Nguyên tắc tiếp theo là hãy suy nghĩ thật hợp lý. Không có lý do gì mà bạn lại có thể mua được thẻ nhớ hàng trăm GB với giá dưới 500GB. Hiện tại, thẻ microSD có dung lượng cao nhất là thẻ 200GB của SanDisk với giá bán khoảng 100 USD (2,2 triệu đồng). Nếu bạn tìm thấy một chiếc thẻ microSD 256GB hay 512GB (bất kể mức giá là gì), bạn chắc chắn là đang bị lừa.
Sử dụng ứng dụng để kiểm tra
Một biện pháp khác để kiểm tra độ xác thực của thẻ nhớ là sử dụng ứng dụng. Trên Android, bạn có thể tải về ứng dụng miễn phí SD Insight để kiểm tra các thông số của thẻ đang sử dụng. Thẻ chính hãng sẽ được hiển thị thông tin nhà sản xuất đầy đủ. Các loại thẻ nhái sẽ thiếu đi thông tin này hoặc hiển thị thông tin của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Do SD Insight không thể "quét" toàn bộ các vùng nhớ trên thẻ, bước tiếp theo bạn cần làm là copy đầy dữ liệu vào thẻ. Bạn có thể làm điều này bằng cách copy các file lớn để làm đầy thẻ hoặc thực hiện quay video với vị trí lưu là thẻ microSD. Sau khi hoàn thành quá trình copy hoặc quay video, bạn cần mở file vừa copy ra xem để kiểm tra khả năng truy cập. Nếu gặp lỗi, rõ ràng là bạn cần từ chối mua chiếc thẻ vừa thử nghiệm