Ổ cứng máy bàn 3.5" thì mình từng làm hư khá nhiều, mà ổ cứng 2.5" cho laptop thì chưa hư cái nào. Sẵn hôm nay có 2 cái bị hư cơ (cắm điện vẫn còn quay được), tiện tay tháo ra xem bên trong có gì để giới thiệu với anh em. Như chúng ta đã biết thì ổ cứng cho laptop về cơ bản đều giống với ổ cứng 3.5" cho máy bàn, tuy nhiên nó nhỏ và mỏng hơn rất nhiều, kèm theo là được tích hợp nhiều công nghệ hơn, trong đó đặc biệt nhất là khả năng chống sốc tốt hơn nhiều lần so với ổ 3.5". Hiện tại ổ cứng HDD 2.5" sử dụng giao tiếp SATA 3Gbps hoặc 6Gbps, có 4 độ dày khác nhau, gồm 12,5mm, 9mm, 7mm và 5mm, trong đó loại 12,5mm đang có dung lượng lớn nhất là 1,5TB - 2TB nên thường được dùng cho ổ cứng di động, các loại còn lại có dung lượng lớn nhất 1TB. Chiếc ổ cứng được tháo ra bên dưới dày 7mm, là loại mỏng hơn loại tiêu chuẩn 9mm nên thường được dùng trong các laptop siêu di động, ultrabook, laptop Thinkpad.
Chiếc ổ có 2 mặt. Mặt dưới là bo mạch gồm cổng giao tiếp SATA và đường điện cấp nguồn cho ổ cứng, chúng được cố định bằng nhiều ốc. Bo mạch và ổ cứng giao tiếp với nhau bằng socket tiếp xúc 18 chân này.
Bên dưới bo mạch có nhiều IC và chipset.
Mặt trên dán tem ghi đầy đủ thông tin chi tiết, ví dụ dung lượng, tốc độ quay (5400rpm hoặc 7200rpm), điện thế, giao tiếp SATA 2, nhãn hiệu và nơi sản xuất. Trên mặt này có nhiều ốc lục giác, tháo ra hết thì mới gỡ được vỏ ngoài.
Có một hoặc nhiều con ốc giấu dưới tem, không để ý mà cố nạy sẽ làm móp vỏ.
Bên dưới mặt vỏ này là "lỗ thở" của ổ cứng, nhà sản xuất khuyến cáo không được bít lỗ này lại.
Bên trong ổ cứng đã được nhà sản xuất hút chân không để triệt tiêu ma sát khi phiến đĩa quay. Tháo vỏ ngoài này ra thì chúng ta thấy các thành phần bên trong, ví dụ phiến đĩa, đầu từ, chân mạch điện...
Đây là loại ổ mỏng 7mm nên chỉ có 1 phiến đĩa, loại dày 12,5mm có thể có 2 hoặc 3 phiến đĩa. Phiến đĩa này quay được là nhờ một nam châm điện đặt bên dưới.
Miếng nhựa màu vàng này là để giữ các phiến đĩa và đầu từ tách biệt, không bị chạm nhau.
Đây là đầu từ và kim, khi ổ đĩa chạy thì đầu từ chạy qua lại để đọc dữ liệu trên phiến đĩa. Vì HDD thuộc dạng cơ học nên đầu từ phải liên tục tìm dữ liệu chứa bất kì đâu đó trên phiến đĩa, nên tốc độ truy xuất của HDD chậm hơn SSD nhiều lần, và khả năng chống sốc cũng kém hơn.
Phiến đĩa sau khi tháo ra, mặt dưới của nó xước đường tròn đồng tâm rất nhiều do đầu từ đọc đi đọc lại nhiều lần.
PS: Sau khi tháo ra và lắp lại đầy đủ, cái ổ cứng này không còn quay được nữa
tinhte.vn