Động thái này được chính phủ Bangladesh đưa ra để giúp đảm bảo an ninh quốc gia sau khi xử tử các thủ lĩnh chống đối.
Trong tuần qua, Facebook, Viber và WhatsApp đã bị chặn hoàn toàn tại Bangladesh. Tiếp đó, kết nối Internet đã bị cắt hoàn toàn trên đất nước Nam Á này. Trong khi một vài người dùng đã tìm cách vượt qua được lệnh cấm, phần đông dân Bangladesh hiện nay không thể sử dụng các dịch vụ nhắn tin phổ biến nói trên. Theo Slash Gear, lệnh cấm được chính phủ nước này đưa ra với các nhà mạng là để ngăn "tội phạm" không thể dùng các dịch vụ này để liên lạc và thực hiện các hành vi phạm pháp.
Theo Economic Times, các dịch vụ nhắn tin tại Facebook đã bị chặn do chính phủ lo ngại rằng những người ủng hộ 2 thủ lĩnh đối lập sắp bị xử tử sẽ thực hiện các hành vi bạo lực. 2 thủ lĩnh đối lập trên đã bị xử tử vào cuối tuần trước, trong khi Facebook, Viber và WhatsApp đã bị chặn từ vài ngày trước đó.
Khi nào lệnh cấm này được kết thúc hiện vẫn chưa rõ, song người dân tại Bangladesh đang bị giới hạn kết nối hoặc không thể kết nối vào các dịch vụ này. Một số người dùng khẳng định có thể truy cập vào Facebook nhưng không thể vào Messenger.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ một quốc gia ra lệnh chặn kết nối vào các dịch vụ phổ biến. Vào tháng Ba năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tay chặn cả Twitter và Facebook.