Doanh nghiệp của bạn có thể có logo, hoặc một cái tên thú vị mà bạn đang tận dụng mọi cơ hội để xây dựng tiếng tăm cho nó. Bạn có thể đã quảng cáo cho doanh nghiệp của mình bằng những thứ dễ nhận ra như biển bảng, danh thiếp hoặc các quảng cáo in ấn. Nhưng còn nhiều cách thức độc đáo và thú vị khác mà bạn có thể dùng để xây dựng uy tín, tiếng tăm cũng như mối liên hệ với khách hàng mục tiêu của mình.
Dưới đây là 15 điều mà Verisign, công ty về tên miền và an ninh mạng, khuyên các doanh nghiệp nên cân nhắc khi xây dựng và phát triển thương hiệu:
1. Hiện diện trực tuyến: Thiết lập hiện diện trực tuyến cho doanh nghiệp phù hợp với thương hiệu của bạn. Dù đó là trang web hay tài khoản mạng xã hội, điều quan trọng là khách hàng có thể tìm thấy doanh nghiệp của bạn trên mạng trực tuyến. Ngày nay, nơi đầu tiên mà hầu hết mọi người tìm kiếm một sản phẩm hoặc dịch vụ là trên mạng Internet. Hãy suy nghĩ về những gì khách hàng sẽ nhập vào một thanh tìm kiếm để tìm một sản phẩm hoặc dịch vụ như của bạn và sau đó thử áp dụng chúng. Bạn có thấy doanh nghiệp của bạn có hiện lên trong trang kết quả không? Nếu không, đây là một nơi tuyệt vời để bắt đầu xây dựng thương hiệu của bạn.
2. Hiện diện trên thiết bị di động: Nếu bạn đã có một trang web, liệu trang web đó của bạn có thân thiện đối với các thiết bị di động không? Theo "Báo cáo Kỹ thuật số, Mạng xã hội và Di động 2015" của We Are Social, lưu lượng chia sẻ web toàn cầu qua các thiết bị di động đã nhảy vọt lên 39% kể từ tháng 1 năm 2014, với 1/3 số trang web đều thân thiện với điện thoại di động. Các doanh nghiệp nhỏ nếu không có trang web thân thiện với thiết bị di động hoặc thậm chí không có cả một trang web thì hầu như vô hình đối với các khách hàng chủ yếu sử dụng thiết bị di động để tìm kiếm hàng hoá và dịch vụ, đặc biệt là tại địa phương.
3. Email Thương hiệu: Một email mang tên thương hiệu doanh nghiệp (vd như tenban@tendoanhnghiep.com) cho thế giới thấy sự hiện diện và tính chuyên nghiệp của công ty bạn. Trong khi đó, một email rất chung chung như tencongty@freeemailaddress.com có thể mang lại cảm giác về sự thiếu kinh nghiệm – hoặc tệ hơn, nó sẽ dấy lên những nghi ngờ về việc doanh nghiệp bạn có thực sự tồn tại không. Hơn nữa, với việc sử dụng email mang tên thương hiệu, mỗi lần bạn gửi một email cũng sẽ góp phần giúp quảng cáo cho thương hiệu của bạn.
4. Đăng ký Tên miền: Bước đầu tiên đối với nhiều doanh nghiệp là đăng ký một hoặc nhiều tên miền để đại diện cho thương hiệu của họ. Việc đăng ký tên miền có tính mô tả và dài hơn (khá thuận tiện vì chúng thường chiếm đa số các tên miền sẵn có) bao gồm từ khoá, thông tin địa điểm và/hoặc các cụm từ dễ nhớ sẽ đem lại nhiều thuận lợi bởi nhiều người sử dụng Internet chỉ nhập từ tìm kiếm vào trình duyệt để tìm thứ họ muốn. Các doanh nghiệp có thể tận dụng điều này bằng cách nghĩ đến các từ khóa mà khách hàng có thể sử dụng để tìm kiếm doanh nghiệp của họ và đăng ký một tên miền tổng hợp từ những từ khóa đó. Tận dụng nhiều tên miền cũng có thể mang đến các cơ hội marketing và giúp bảo vệ thương hiệu của bạn trên mạng do tránh được rủi ro nếu các đối thủ cạnh tranh đăng ký tên công ty bạn, hoặc tên đó sẽ không còn nữa khi bạn muốn đăng ký.
5. Điện thoại: Hãy đảm bảo rằng những người chịu trách nhiệm trả lời điện thoại tại công ty bạn có thể trả lời một cách chuyên nghiệp và lịch sự, và luôn nhắc tới tên công ty theo cùng một cách mỗi lần nghe máy. Một điều quan trọng nữa là tin nhắn trả lời tự động trên điện thoại sau giờ làm cũng cần đề cập tới tên công ty, địa điểm, giờ làm, và website của công ty để khách hàng có thể tìm kiếm thông tin về công ty của bạn ngay cả ngoài giờ làm việc.
6. Trang phục của nhân viên: Đề nghị nhân viên của bạn mặc trang phục mang màu sắc thương hiệu và/hoặc có logo và địa chỉ website của bạn trên đó. Điều này giúp củng cố thương hiệu của bạn và giúp khách hàng dễ nhận ra nhân viên công ty. Việc để nhân viên mặc trang phục có mang logo của công ty đến các sự kiện hoặc triển lãm thương mại cũng là một cách để bạn khéo léo mở rộng thương hiệu của mình.
7. Trang phục dành cho khách hàng: Bán các sản phẩm như áo phông, áo khoác, khăn tay hoặc các loại trang phục khác mang dấu ấn thương hiệu cho khách hàng, hoặc tốt hơn là dùng chúng làm quà tặng. Mỗi khách hàng khi mặc trang phục mang thương hiệu của bạn sẽ trở thành một biển quảng cáo di động cho công ty bạn. Đó chính là phương thức quảng cáo miễn phí mà chỉ tốn 1 cái áo.
8. Danh thiếp: Bạn có thể đã có danh thiếp rồi, thế nhưng dù có hay chưa thì hãy đảm bảo rằng những danh thiếp trong tương lai của bạn mang logo, tiêu đề, địa chỉ website và thông liên liên lạc. Cân nhắc sử dụng danh thiếp 2 mặt với thẻ khách hàng thân thiết để khách hàng luôn giữ chúng.
9. Các biểu mẫu kinh doanh của công ty: Hãy đảm bảo rằng logo, thông tin liên lạc và địa chỉ Website xuất hiện trên các biểu mẫu kinh doanh của công ty như hóa đơn, đơn đóng gói, giấy biên nhận. Nó sẽ khiến công ty bạn trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt khách hàng và đóng vai trò như một lời nhắc nhở khách hàng đến thăm lại cửa hàng của bạn.
10. Các quà tặng quảng cáo: Thương hiệu của bạn được biết đến bởi điều gì, hoặc bạn muốn thương hiệu của mình được biết đến bởi điều gì? Ví dụ nếu bạn bán rượu vang, bạn có thể cân nhắc tặng khách hàng những đồ khui rượu có logo thương hiệu và địa chỉ website của bạn. Dù doanh nghiệp của bạn ở lĩnh vực nào, tất cả mọi người đều cần được cung cấp đủ nước và không ai có thể làm việc mà không có cà phê. Những sản phẩm có gắn logo thương hiệu như cốc nước hoặc chai nước như một món quà cảm ơn hoặc quà khuyến mãi sẽ được sử dụng và nhắc nhở khách hàng của bạn mỗi lần họ uống một ngụm nước.
11. Làm một video: Nếu bạn sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, bạn có thể làm một đoạn video đơn giản với giá phải chăng rồi chia sẻ video của mình lên mạng xã hội hoặc trên website công ty. Video là loại hình phổ biến nhất của nội dung số ngày nay. Bí quyết là tạo 1 video hữu ích, thú vị và phù hợp với thương hiệu của bạn.
12. Tạo ra những nội dung sáng tạo: Rất nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ đã tạo nên những lượt theo dõi riêng biệt và trung thành cho mình bằng cách tạo nên và chia sẻ nội dung qua blog và các bài viết. Điều này giúp họ trở nên khác biệt với các đối thủ cạnh tranh bằng cách định vị mình là chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Bí quyết là nghĩ về những chủ đề hoặc kinh nghiệm mà bạn có thể trình bày một cách độc đáo để thu hút được khách hàng. Hãy xem một đoạn video về cách nhà môi giới Doug Francis sử dụng Content Marketing để nổi bật giữa 13.000 đối thủ.
13. Đồ dùng văn phòng: Tiêu đề thư, phong bì, nhãn thư là những phương tiện dễ dàng truyền tải thương hiệu của bạn và chia sẻ địa chỉ website. Đó cũng là cách tuyệt vời để gia tăng sự nổi bật bằng cách thêm một vài thứ đặc biệt vào trải nghiệm mua hàng của khách hàng. Ví dụ như Zulily đã gửi một tấm thiệp cảm ơn có logo công ty và địa chỉ website cho khách hàng vào mỗi lần họ mua hàng. Thể hiện lòng biết ơn thường sẽ khiến khách hàng trung thành với thương hiệu.
14. Marketing qua email: Lập 1 danh sách email bằng cách hỏi khách hàng địa chỉ email của họ tại quầy tính tiền hoặc trên website và mạng xã hội của công ty. Đây là cách hiệu quả để đảm bảo sự tương tác liên tục với khách hàng về các thông tin khuyến mãi, giảm giá, hoặc các sự kiện. Chìa khóa là hãy gửi những email chuyên nghiệp và hấp dẫn, nhưng không quá thường xuyên để tránh làm phiền khách hàng nhưng vẫn đủ để lưu lại trong tâm trí họ. Có nhiều dịch vụ email marketing với chi phí hợp lý có thể được tận dụng để khiến quá trình marketing qua email trở nên dễ dàng hơn và giúp đảm bảo rằng bạn tuân thủ tốt pháp luật hiện hành.
15. Các biểu mẫu thuyết trình: Nếu nhóm của bạn sử dụng chương trình như Microsoft® PowerPoint® để tạo và trình bày bài thuyết trình cho nhóm khách hàng hiện tại hoặc nhóm khách hàng tiềm năng, hãy chắc chắn rằng mỗi bài thuyết trình đều bắt đầu với một biểu mẫu giống nhau – hiển thị màu sắc thương hiệu, logo và địa chỉ website trên từng slide. Điều này giúp khẳng định chuyên môn và các thông tin được chứa đựng bên trong bài thuyết trình là của bạn, và đảm bảo rằng dấu ấn của bạn sẽ được thể hiện qua từng slide.
Trước khi bắt đầu đầu tư công sức và thời gian vào bất cứ gợi ý nào ở trên, bạn nên tự đặt một số câu hỏi cho chính mình để đảm bảo bạn đã đầu tư vào đúng cơ hội:
1. Ai là khách hàng mục tiêu của bạn? Họ bao nhiêu tuổi, thích làm gì? Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu được những hoạt động quảng cáo nào sẽ hấp dẫn với đa số khách hàng của bạn.
2. Ngân sách marketing nào phù hợp với doanh nghiệp của bạn? Điều này sẽ giúp bạn ưu tiên những cơ hội quảng cáo để có thể tận dụng tối đa ngân sách. Những hoạt động miễn phí và không tốn kém như mạng xã hội và website có thể là cách hiệu quả để nhắm tới một tập khách hàng rộng.
3. Làm thế nào bạn đo lường được hiệu quả những nỗ lực quảng cáo của bạn? Điều này sẽ giúp bạn xác định được hoạt động nào bạn nên tiếp tục làm, hoặc đầu tư nhiều hay ít hơn.